Trả lời:
Hành vi tự ý xâm phạm tài sản của người khác sẽ bị xử lý theo trách nhiệm dân sự hoặc hình sự như sau:
Về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;
- Thiệt hại khác do pháp luật quy định.
Căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra đối với tài sản mà người có hành vi xâm phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại đối với tài sản đó.
Về trách nhiệm hình sự:
Xâm phạm tài sản được hiểu là xâm phạm vào quyền sở hữu đối với tài sản có nghĩa là làm mất đi quyền chiếm hữu, quyền sử dụng,hoặc quyền định đoạt đối với tài sản. Hành vi tự ý xâm phạm tài sản của người khác có thể là: Hành vi chiếm đoạt tài sản; hành vi chiếm giữ tài sản trái phép; hành vi sử dụng trái phép hoặc hành vi hủy hoại, làm hư hỏng, làm mất mất, lãng phí tài sản. Do đó, Tùy từng hành vi xâm phạm tài sản khác nhau dẫn đến hậu quả, thiệt hại khác nhau sẽ có mức độ chịu trách nhiệm khác nhau: Có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc có thể không phải chịu TNHS.
Ví dụ 1: A và B cùng trên 1 chuyến xe khách, nhân cơ hội A không để ý B đã lén rút chiếc điện thoại IP 7 (trị giá 5 triệu đồng) của A. => B đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của A. Hành vi xâm phạm tài sản này đã cấu thành tội phạm. Theo quy định tại điều 173 BLHS thì B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản, mức xử phạt có thể là: cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ví dụ 2: A và B cùng trên xe khách, A có điện thoại của người thân gọi đến, trong lúc A đang nói chuyện thì xe chạy đến đoạn đường xấu và xóc nên A đã vô tình giẫm vào chân của B, B đã nhiều lần ra hiệu cho A để A chú ý nhưng A vẫn tiếp tục. Trong lúc nóng giận B đã giằng lấy điện thoại của A và đập mạnh xuống sàn làm vỡ tan điện thoại của A. (điện thoại của A là điện thoại nokia trị giá 500.000 đồng và B chưa bị xử phạt vi phạm hành chính cũng như kết án về tội này,..)
- B đã thực hiện hành vi hủy hoại, làm hư hỏng, làm mất mất, lãng phí tài sản của A. Tuy nhiên, hành vi này chưa cấu thành tội phạm. Vì theo quy định tại Điều 178 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng phải có giá trị từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng.
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)