Từ đầu tháng 4, Kia Seltos tăng giá bán 10 triệu đồng ở tất cả các phiên bản.
Khan hàng, xe hot quay đầu tăng giá, bán “bia kèm lạc”
Đầu tháng 4, hàng loạt đối thủ trong phân khúc SUV đô thị cỡ nhỏ như Hyundai Kona, Honda HR-V, Ford EcoSport đều giảm giá sâu hơn 100 triệu đồng để thu hút sự chú ý của khách hàng. Riêng Kia Seltos không giảm, ngược lại còn tăng giá đáng kể do cháy hàng.
Cụ thể, từ ngày 2/4 tất cả các đại lý đã thông báo tăng từ 10 triệu đồng cho mẫu xe Phiên bản Kia Seltos 1.4 Deluxe trước đây có giá niêm yết chỉ 599 triệu đồng, nay tăng lên 609 triệu đồng. Trong khi đó phiên bản 1.4 Luxury có giá 649 triệu đồng và 1.4 Premium có giá 719 triệu đồng nay được điều chỉnh tăng tương ứng 659 và 729 triệu đồng.
Tuy nhiên, dù tăng giá như vậy nhưng hiện nay các đại lý đều khan hiếm xe, khách muốn mua phải chấp nhận được 20-30 ngày mới được nhận xe. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng nên vấn đề sản xuất, lắp ráp trong nước bị chậm.
Tại Việt Nam, Seltos liên tục cháy hàng kể từ khi mở bán. Khách đặt mua xe phải đợi nhiều tháng để nhận hàng. Model này cũng nhiều lần lọt top 10 xe bán chạy nhất thị trường và hiện là mẫu SUV cỡ B bán chạy nhất thị trường.
Cùng với Kia Seltos, thời điểm này, mẫu xe bán tải Ford Ranger dù không chính thông báo tăng giá bán ra nhưng nhiều đại lý lại chọn cách “bán bia kèm lạc” với mức chênh từ 40-70 triệu đồng.
Ford Ranger được các đại lý bán bia kèm lạc 40-70 triệu đồng.
Nguyên nhân chính được cho là do thông tin Ford Ranger sẽ chuyển từ nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái sang lắp ráp trong nước từ giữa năm 2021 nên nhiều khách hàng yêu thích xe tranh thủ đặt hàng để nhận xe sớm. Trong khi đó, các đại lý lại cho biết, hiện tại nguồn cung của mẫu bán tải hiệu suất cao này lại đang khá hạn hẹp, xe về rất nhỏ giọt.
Người tiêu dùng bức xúc
Thực tế, kiểu bán hàng xưa nay chúng ta vẫn hay được ví von “bia kèm lạc” này không còn gì lạ lẫm tại Việt Nam. Không riêng gì với sản phẩm ô tô, xe máy. Tuy nhiên trong bối cảnh các mẫu xe mới đang ngày càng rẻ hơn, đẹp hơn, nhiều option hơn cho người dùng lựa chọn thì thông tin xe tăng giá hay thậm chí “bán bia kèm lạc” luôn gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Anh Phú ở Thanh Trì, Hà Nội, cho biết do nhu cầu cần xe sử dụng ngay và sợ chần chừ sẽ hết xe Ranger nhập Thái, nên đã đồng ý chi 50 triệu lắp phụ kiện.
“Sales cứ dọa hàng nhập sắp hết, muốn nhận xe sớm thì mua thêm phụ kiện sẽ được ưu tiên. Mình thấy cách này là ép khách quá, nhưng đại lý kêu khan hàng ai cũng muốn nhận xe sớm thì đành chấp nhận”.
Khác với anh Phú, anh Thành ở Long Biên, Hà Nội lại quyết từ chối bằng được cách đại lý ép anh mua phụ kiện mới được ưu tiên nhận xe Ford Ranger sớm.
Nhiều người cho rằng việc đại lý khuyến cáo xe Ford Ranger nhập Thái sắp hết hàng là chiêu trò tạo độ hot để tăng giá xe.
“Lúc bạn sale tư vấn bán xe cho mình không hề nói về vụ phụ kiện bán thêm, đến khi mình đặt cọc mua Ford Ranger bản XLS AT (650 triệu đồng) thì thêm điều mục phụ kiện nắp thùng, lót thùng, dán phim cách nhiệt… 40-50 triệu đồng. Mình đã từ chối nhưng bạn nhân viên vẫn một mực nói: “do xe đang cháy hàng, anh lấy thì em ưu tiên nhưng với điều kiện phải mua trang bị thêm. Anh không mua ở chỗ em thì các đại lý khác cũng yêu cầu anh vậy thôi…”, nhưng tiếc là mình không đồng ý mua vì nghĩ chênh đến 50 triệu là số tiền khá lớn. Trong khi đó, những phụ kiện đại lý đưa ra mình thấy không cần thiết”, anh Thành kể.
“Mình chưa nôn nóng nhận xe nên chờ đợi một thời gian xe “hạ nhiệt” để được mua đúng giá. Thậm chí mua xe lắp ráp trong nước cũng được miễn là giá cả hợp lý. Chứ cứ chấp nhận mua dù giá tăng, bia kèm lạc thì vô tình tạo thành tiền lệ để xấu đại lý tận dụng độ hot của sản phẩm rồi tăng giá vô tội vạ”, anh Thành nói thêm.
“Tôi đặt mua xe Kia Seltos từ tuần cuối tháng 3, lúc cọc xe nhân viên không nói gì đến việc sẽ tăng giá chỉ hẹn 15-20 ngày xe sẽ về. Bỗng nhiên mấy nay lại nghe thông báo giá xe sẽ tăng 10 triệu. Đã chấp nhận chờ lâu mới có xe nay còn đóng thêm 10 triệu nữa thấy chán ghê. Cảm giác như mình không may mắn”, chị Hoàng Oanh ở Đông Anh, Hà Nội cho biết.
Đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng, anh Mạnh Tiến, trưởng phòng kinh doanh một đại lý ô tô ở Hà Nội nói: “Người mua nên tham khảo nhiều đại lý khác nhau để tìm ra nơi còn suất mua giao xe sớm hay bán xe sát giá. Bên cạnh đó, trong lúc làm hợp đồng mua xe nên thống nhất thời điểm nhận xe rõ ràng và cụ thể với bên đại lý để tránh những phiền phức về sau”.
Về vấn đề chênh giá, ô tô bán bia kèm lạc, trước dó, các hãng xe cho biết họ không thể can thiệp vào giá bán của đại lý mà chỉ đưa ra giá đề xuất, bởi quan hệ hãng và đại lý là độc lập theo kiểu mua đứt bán đoạn. Nhà sản xuất chỉ có thể đưa ra giá đề xuất để khách hàng tham khảo. Hãng chỉ có thể cố gắng giải quyết việc này bằng cách tăng nguồn cung cho đại lý.
Theo Vietnamnet