Trả lời:
Hiện nay trong các văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể về vượt xe ở đường đèo, tuy nhiên theo quy định tại Khoản 5 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về các trường hợp không được vượt xe thì:
“5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trên cầu hẹp có một làn xe;
c) Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;
d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.”
Theo quy định trên, thì người lái xe không được vượt xe trong trường hợp đang đi ở những nơi đường vòng, đầu dốc và có tầm nhìn hạn chế, mà đường đèo thường là những nơi có nhiều đường vòng, dốc và có tầm nhìn hạn chế vì vậy việc vượt xe trên đường đèo thuộc một trong những trường hợp không được vượt xe.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì đối với trường hợp vượt xe trong những trường hợp cấm vượt thì sẽ bị phạt như sau:
“5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;
b) Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;
c) Vượt xe trong những trường hợp cấm vượt, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm h Khoản 4 Điều này;
d) Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;
đ) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ;
e) Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.”
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)