Để giảm thiểu chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, Volkswagen đang tích cực phát triển công nghệ robot có khả năng tự sạc điện cho các phương tiện trong bãi đỗ.
Với việc ô tô điện ngày càng phổ biến như hiện nay, đảm bảo cơ sở hạ tầng sạc điện tại các bãi đỗ có thể là một thách thức lớn.
Volkswagen đang tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển robot sạc điện hoạt động thông qua ứng dụng hoặc kết nối V2X. Khi kích hoạt, cả quá trình sạc, từ lúc mở nắp sặc cho tới lúc lắp dây sạc đều không cần sự tác động của con người.
“Robot sạc điện sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong thế giới xe điện. Chúng tôi sẽ mang hạ tầng (các con robot) tới mọi bãi đỗ xe trong tương lai gần. Với những con robot này, chúng tôi sẽ biến tất cả các bãi đỗ xe trở nên điện hóa mà không cần xây dựng cơ sở vật chất phức tạp”, ông Mark Moller, giám đốc phát triển của Volkswagen Group Components cho biết.Ngoài việc trang bị công nghệ V2X, các con robot còn có hệ thống camera, máy quét laser và cảm biến siêu âm. Khi hoạt động, các con robot sẽ kéo theo một thiết bị lưu trữ điện di động và kết nối nó với xe ô tô.
Thiết bị này sẽ nằm cạnh xe hơi trong suốt quá trình sạc, trong khi robot có thể tự do đi lại phục vụ xe khác. Sau khi sạc xong, robot sẽ mang thiết bị sạc về trạm sạc nhỏ để làm đầy pin. Mỗi thiết bị sạc chứa điện năng khoảng 25 kWh và hỗ trợ sạc nhanh DC lên tới 50 kW.
“Sáng kiến này có lợi ích kinh tế vô cùng to lớn. Chi phí xây dựng cơ sở vật chất sẽ được giảm đáng kể nhờ những con robot này”, ông Moller nói.“Những vấn đề thường thấy như bốt sạc điện bị cản bởi một chiếc xe khác sẽ được giải quyết triệt để. Bạn chỉ cần đỗ xe vào bãi như bình thường, việc còn lại cứ để những chú robot tí hon của chúng tôi lo”.
Kết nối V2X là gì?
V2X là viết tắt của Vehicle to everything (Phương tiện kết nối vạn vật). Có hai công nghệ kết nối V2X chủ yếu hiện nay là: WLAN và Cellular.
V2X là chuẩn kết nối chuyển tải thông tin giữa xe ô tô và các thực thể liên quan tới nó và ngược lại. V2X bao gồm cả các kết nối V2I (phương tiện tới cơ sở hạ tầng), V2N (phương tiện tới mạng), V2V (phương tiện tới phương tiện), V2P (Phương tiện tới người đi đường), V2D (phương tiện tới thiết bị số) và V2G (phương tiện tới tới lưới điện).
Mục đích chính của V2X là thúc đẩy an toàn giao thông, tiết kiệm năng lượng và giảm ùn tắc. Cơ quan Đường cao tốc quốc gia Mỹ NHTSA ước tính rằng chỉ riêng hệ thống V2V sẽ giảm thiểu được ít nhất 13% vụ tai nạn giao thông (tương đương 439.000 vụ) nếu được đưa vào sử dụng.
Nguồn: BanXeHoi