Toyota Corolla Cross hybrid được bán chính hãng tại Việt Nam có giá 920 triệu đồng, đắt hơn bản máy xăng tiêu chuẩn 190 triệu đồng
Hàng loạt quốc gia đã đưa ra lộ trình chấm dứt lưu hành các loại ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ tới. Việt Nam sẽ bắt nhịp xu hướng này của thế giới với tư cách đồng hành sản xuất trong chuỗi cung ứng hay chỉ là một quốc gia nhập khẩu xe điện trong tương lai?
Kỷ nguyên động cơ đốt trong sắp kết thúc
Trong nỗ lực cắt giảm lượng phát thải khí carbon từ xe sử dụng động cơ đốt trong, nhiều nước trên thế giới đã “lên lịch” để chấm dứt tiêu thụ các loại xe chạy nhiên liệu hóa thạch. Mới đây, Anh công bố kế hoạch cấm bán xe ô tô chạy xăng và diesel vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với đề xuất ra nghị viện trước đó.
Tại Mỹ, cả Tổng thống sắp mãn nhiệm Trump và người kế nhiệm Biden đều bày tỏ quan điểm rõ ràng ủng hộ xe điện bằng cách ưu đãi thuế thiết thực cho các doanh nghiệp thiết lập trạm sạc khắp nước Mỹ và nhà sản xuất ô tô điện.
Tại châu Á, Chính phủ Nhật cũng đề xuất kế hoạch cấm bán xe hơi dùng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030.
Trong khối ASEAN, Singapore đã ngừng sản xuất ô tô cách đây 30 năm nhưng mới đây cũng đã khai trương một trung tâm nghiên cứu phát triển xe điện có vốn đầu tư của Hyundai Motor, với công suất khoảng 30.000 xe tự lái mỗi năm.
Thái Lan cũng miễn hàng loạt sắc thuế cho các nhà sản xuất xe điện và pin, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nhà sản xuất xe điện số 1 tại Đông Nam Á. Theo đó, sản lượng xe điện sau 10 năm nữa của Thái Lan sẽ đạt 750 nghìn xe trong tổng số 2,5 triệu xe ô tô sản xuất hàng năm.
Với ưu thế sở hữu trữ lượng quặng niken lớn nhất thế giới (nguyên liệu quan trọng hàng đầu để sản xuất pin), Indonesia cũng đặt tham vọng trở thành nước sản xuất pin xe điện số 1 thế giới vào năm 2030.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, hai khoảng cách lớn để thu hút người dân đến với xe điện là mức giá và quãng đường sau mỗi lần sạc. Hai khoảng cách đó hiện đã được thu hẹp dần.
Cách đây 5 năm, xe điện đắt gấp đôi xe xăng, nhưng giờ chỉ đắt hơn 1,3 lần. Quãng đường sau mỗi lần sạc cũng tăng lên, thay vì 200km thì nay xe điện có thể đi được 400 – 500km, tương đương một lần đổ xăng. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất vẫn là thời gian sạc pin mất hàng giờ và số trạm sạc chưa phủ rộng như trạm xăng.
Việt Nam chưa thể điện hóa ô tô trong 10 năm tới?
Xe buýt thuần điện đầu tiên của Việt Nam do VinFast thiết kế chế tạo có khả năng di chuyển từ 220-260km sau mỗi 2 giờ sạc đầy pin
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là trong năm 2020, thị trường Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện 3 mẫu xe ô tô “xanh”, dưới dạng phân phối chính hãng hoặc lắp ráp trong nước.
Trước tiên, phải nhắc đến mẫu xe lai xăng điện (hybrid) đầu tiên được Toyota nhập khẩu từ Thái Lan và phân phối chính hãng tại Việt Nam vào tháng 8/2020. Đây là chiếc Toyota Corolla Cross phiên bản HV, được gắn thêm động cơ điện, giúp mức tiêu hao nhiên liệu xăng chỉ còn 4,6 lít/100km.
Trong năm qua, Mitsubishi cũng đã lần đầu tiên đưa mẫu xe điện i-MiEV vào thị trường Việt Nam và đã xây dựng một số trạm sạc điện tại một số địa phương nhưng gần như không đạt được mục tiêu và sau đó đã chính thức rút khỏi lĩnh vực này.
Không thể không nhắc đến mẫu xe ô tô thuần điện đầu tiên do hãng xe thuần Việt làm ra, là xe buýt điện VinBus do VinFast tự thiết kế chế tạo, mới hoàn thành chạy thử nghiệm hôm 20/10/2020.
Theo công bố của nhà sản xuất, chiếc xe buýt điện này có phạm vi hoạt động từ 220 – 260km sau mỗi lần sạc đầy khối pin (thời gian sạc 2 giờ). Sắp tới, nhà sản xuất sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm khoảng 100 xe VinBus tại Hà Nội, TP HCM và đảo Phú Quốc…
VinFast hiện được xem là hãng xe có mục tiêu sản xuất ô tô điện lớn nhất tại Việt Nam. Theo một số nhận định, VinFast có thể đang đầu tư rất lớn vào xe điện và hướng tới xuất khẩu vào Mỹ. Thực tế mới đây, hãng xe Việt này đã hé lộ một đoạn video giới thiệu mẫu xe điện đầu tiên của mình.
Theo một số thông tin rò rỉ, mẫu xe này có thể hoạt động liên tục trên quãng đường 500km mà không phải sạc điện. Tính trung bình xe có thể chạy 10 ngày với một lần sạc.
Cuối năm 2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tiết lộ kế hoạch xuất khẩu ô tô điện sang thị trường Mỹ vào năm 2021 và đã đầu tư 2 tỷ USD để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, do những tác động của đại dịch Covid-19 nên kế hoạch ra mắt sản phẩm này đã phải lùi lại.
Trạm sạc công suất cao cho xe điện Porsche Taycan đặt tại Trung tâm Porsche ở 802 Nguyễn Văn Linh (Quận 7, TP HCM)
Từ góc nhìn chính sách, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, hiện thị trường xe điện còn sơ khai.
“Tuy nhiên, từng thành viên của VAMA bắt đầu đã có sản phẩm ra thị trường như: VinFast đã ra xe máy điện, xe buýt điện, Toyota đưa về xe hybrid, Honda thử nghiệm xe PCX hybrid hai bánh… Nhưng vấn đề là làm thế nào để vượt qua được hai trở ngại. Thứ nhất, ngành pin là bí kíp công nghệ, làm sao để sạc vào thì nhanh và trữ điện được nhiều; Thứ hai, mạng lưới trạm sạc phải phủ rộng, lại là vấn đề xã hội, cần thời gian và nguồn lực đầu tư để có độ bao phủ địa lý, từ đó mới thay thế và dần dần loại trừ xe xăng, cũng phải hàng chục năm chứ không nhanh được”, ông Hiếu cho hay.
Nhận định về tương lai sản xuất xe điện tại Việt Nam, theo ông Hiếu, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Như VinFast đã làm xe máy điện, xe buýt điện và tiến tới xe du lịch hạng nhẹ thuần điện.
Tuy nhiên, công nghệ pin không thể phát triển kiểu như “Thánh Gióng” được mà vẫn phải tiệm tiến theo quá trình nghiên cứu phát triển của ngành công nghiệp pin thế giới. Bởi thế, thị trường xe điện Việt Nam trong tương lai gần vẫn chỉ là nơi tiêu thụ xe điện nhập khẩu. Nếu đặt vấn đề sản xuất ra xe thuần điện hòng thay thế hoàn toàn xe xăng thì chưa thể đặt ra trong 5 – 10 năm tới.
“Sản xuất ô tô điện cần 4 công nghệ cơ bản là: Tích lũy điện (pin), động cơ điện, máy đổi điện (sạc) và kỹ thuật điều khiển. Nếu mở rộng cho cả ngành công nghiệp, khi ô tô điện phát triển và khi điện trở thành nguồn năng lượng chính thay thế xăng dầu, lúc đó thị trường pin, động cơ điện và các máy đổi điện sẽ vô cùng quan trọng”, ông Hiếu nói.
Từ những lý do trên, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, rất cần nghiên cứu và ban hành sớm các chính sách đồng bộ để thúc đẩy sản xuất xe điện và nhanh chóng làm chủ những công nghệ cơ bản này. Nếu Việt Nam không bắt tay làm xe điện ngay từ bây giờ, chắc chắn chúng ta sẽ lại đi sau nhiều quốc gia.
Ngày 16/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2117 ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu phát triển để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó công nghệ chế tạo pin nhiên liệu (fuel cell) và năng lượng hydrogen, cùng với công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến là những lĩnh vực được ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển. Đây là động thái chính sách đầu tiên của Chính phủ với lĩnh vực pin, làm tiền đề để các doanh nghiệp “chạy đà”, hy vọng sớm bắt nhịp trào lưu điện hóa ô tô toàn cầu.
Theo Báo Giao Thông