Thật khó có thể xác định chính xác thời điểm những chiếc streetfighter đầu tiên xuất hiện là khi nào. Tuy nhiên phong cách streetfighter lại được bắt nguồn từ chính những người cầm lái dòng sportbike. Sau khi họ gặp tai nạn khiến toàn bộ dàn áo nứt vỡ, những chiếc xe này vẫn được đem ra đường nhưng trong tình trạng không còn bộ quây cũng như tay lái đặt cao hơn. Một phần có thể do chúng không cần thiết hoặc chủ xe không đủ điều kiện tài chính để thay một bộ cánh mới cho chiếc xe.
Một “streetfighter” thực thụ, được lột trần từ chiếc Honda CBR600RR
Những chiếc streetfighter bắt đầu xuất hiện trên đường phố London và Pháp sau những năm 80 và rất được ưa chuộng bởi những biker có sở thích “bốc đầu”, stoppie hay biểu diễn những pha mạo hiểm trên xe. Phong cách thiết kế streetfighter chiếm được tình cảm đặc biệt của một bộ phận những kẻ nổi loạn đường phố có tên “Bloodrunner”. Nắm bắt được điều này, Triumph đã vận dụng sự hiểu biết của mình để phác hoạ ý tưởng về một chiếc streetfighter dành riêng cho thương hiệu. Và mẫu xe với tên gọi Speed Triple đã ra đời từ năm 1994.
Triumph Daytona 900 – nền tảng của Speed Triple thế hệ đầu
Không chỉ đơn giản là một chiếc superbike được cởi bỏ dàn áo và thay đổi tay lái, Triumph Speed Triple còn được thiết kế để sử dụng trên đường phố. Sở hữu tốc độ ấn tượng và khả năng đề pa luôn chực chờ “bênh” đầu chính là lí do khiến Speed Triple nhanh chóng trở thành đối thủ nặng ký trong phân khúc naked bike. Kể từ đó tới nay, dòng xe này đã liên tục được Triumph cải tiến, với thế hệ mới nhất là Speed Triple 1200 RS vào ngày 26/1 vừa qua. Chúng ta hãy cùng điểm lại các phiên bản của mẫu xe này để có cái nhìn rõ hơn về quá trình phát triển của “người kiến tạo” phân khúc streetfighter kể từ khi được giới thiệu vào năm 1994.
Chiếc Speed Triple đầu tiên như chúng ta biết đó là T509 với động cơ 3 xi-lanh thẳng hàng, dung tích 885cc cho ra công suất 108 mã lực. Đến năm 1999, T509 được tăng dung tích động cơ lên 955cc, công suất đạt 110 mã lực và chuyển sang thiết kế đèn pha kép đặc trưng vẫn giữ tới tận ngày nay.
Sau khi bỏ tên T509, vào năm 2002 Speed Triple được tái thiết kế toàn bộ bởi Gareth Davies. Thân xe điều chỉnh lại trông cơ bắp hơn cùng một vài thay đổi trong quá trình sản xuất động cơ giúp trọng lượng giảm xuống 7,7kg còn 196kg. Đồng thời lúc này Speed Triple có tên mới là “955i”.
Chiếc Speed Triple 955i cuối cùng được bán ra thị trường vào năm 2004 và sau đó 1 năm thay thế bằng Speed Triple 1050. Chiếc xe được thiết kế bởi Frascoli Rodolfo, đồng thời là người thiết kế ra Triumph Tiger Tramontana, Moto Guzzi Griso và Norge cũng như Bordone Ferrari Dakar và Suzuki Katana ngày nay. Speed Triple 1050 là tiền thân của Street Triple 675, cả hai đều là mẫu naked bike có chung kiểu dáng và thiết kế thể thao.
Bản nâng cấp của 1050 ra mắt vào năm 2011 với động cơ sản sinh công suất 133 mã lực và mô-men xoắn cực đại 111Nm. Điểm đáng chú ý nhất trên phiên bản 1050 mới là thay đổi thiết kế từ 2 đèn pha tròn sang cụm đèn “mắt bọ ngựa” với nhiều ý kiến trái chiều.
Năm 2016, động cơ 1050 nhận được lần nâng cấp lớn cuối cùng với hệ thống ga điện tử gồm 5 chế độ lái, hệ thống kiểm soát lực kéo có thể điều chỉnh và ABS. Trọng lượng lúc này của xe là 212kg và công suất được Triumph tuyên bố là 140 mã lực tại 9.500 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 112Nm tại 7.850 vòng/phút.
Có thiết kế tương tự như phiên bản ra mắt hồi năm 2016, Speed Triple 2018 đã đưa dòng xe này trở nên tân thời. Được bán với 2 phiên bản R và RS, mọi chiếc Speed Triple kể từ đây đều có bảng đồng hồ màn hình màu 5 inch, bộ xử lý trung tâm IMU, giúp ghi nhận và tính toán các thông số để hỗ trợ các hệ thống như điều khiển lực kéo và ABS biến thiên theo góc cua (Cornering ABS). Đương nhiên, một siêu naked bike như Speed Triple sẽ phải có nhiều chế độ lái và tay ga khác nhau.
Speed Triple 1050 RS 2018
Sau khi vòng đời của Speed Triple 1050 kết thúc, giờ đây Triumph Speed Triple 1200 RS 2021 trở thành tâm điểm. Với dung tích xi-lanh tăng lên 1.160cc, động cơ mới của 1200 RS đạt công suất cực đại 180 mã lực tại 10.750 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 125Nm tại 9.000 vòng/phút. Vòng tua máy của phiên bản hiện tại cao hơn 650rpm – nay đạt 11.150rpm so với Speed Triple 1050. Ngoài ra trọng lượng giảm 10kg xuống còn 198kg so với thế hệ trước.
Điều này khiến tỷ lệ công suất/trọng lượng tăng lên 25% so với phiên bản 1050. Bên cạnh đó Speed Triple 1200 RS còn nhận được nhiều trang bị hàng hiệu để cải thiện hiệu năng vận hành. Quá trình phát triển của Speed Triple cho thấy thương hiệu xe Anh Quốc đang ngày càng tỏ ra đáng gờm trong cuộc đua công suất và công nghệ với các đối thủ trong cùng phân khúc.