Trả lời:
Tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe quy định trách nhiệm của chủ xe như sau: “ Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.”.
Mặt khác, Khoản 3 Điều 7 Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì thời hạn và hiệu lực của bảo hiểm được quy định như sau:
“Điều 7. Thời hạn và hiệu lực bảo hiểm
1. Thời Điểm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận bảo hiểm được ghi cụ thể trên Giấy chứng nhận bảo hiểm nhưng không được trước thời Điểm chủ xe cơ giới thanh toán đủ phí bảo hiểm, trừ một số trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều 6 Thông tư này.
2. Thời hạn bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là 01 năm. Trong các trường hợp sau, thời hạn bảo hiểm có thể dưới 01 năm:
a) Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 01 năm.
b) Niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 01 năm.
c) Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của pháp luật, bao gồm:
– Ô tô mới nhập khẩu và sản xuất lắp ráp lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác;
– Ô tô làm thủ tục xóa sổ để tái xuất về nước;
– Ô tô được phép quá cảnh (trừ xe có Hiệp định ký kết của Nhà nước);
– Ô tô sát xi có buồng lái, ô tô tải không thùng;
– Ô tô sát hạch;
– Xe mang biển số khu kinh tế thương mại theo quy định của Chính phủ vào hoạt động trong nội địa Việt Nam;
– Xe mới lắp ráp tại Việt Nam chạy thử nghiệm trên đường giao thông công cộng;
– Xe phục vụ hội nghị, thể thao theo yêu cầu của Chính phủ hoặc Bộ Công an;
– Các loại xe cơ giới khác được phép tạm đăng ký theo quy định của pháp luật.
d) Trường hợp chủ xe cơ giới có nhiều xe tham gia bảo hiểm vào nhiều thời Điểm khác nhau trong năm nhưng đến năm tiếp theo có nhu cầu đưa về cùng một thời Điểm bảo hiểm để quản lý, thời hạn bảo hiểm của các xe này có thể nhỏ hơn 01 năm và bằng thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm đầu tiên của năm đó. Thời hạn bảo hiểm của năm tiếp theo đối với tất cả các hợp đồng bảo hiểm (đã được đưa về cùng thời hạn) là 01 năm.
3. Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới.”
Theo quy định trên, trường hợp bạn mua 1 chiếc Innova đã sang tên chính chủ của bạn và chiếc xe vẫn còn giấy chứng nhận bảo hiểm ô tô nhưng đứng tên chủ cũ, nếu chiếc xe gặp tai nạn thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với bạn nếu bảo hiểm vẫn trong thời hạn còn hiệu lực. Do vậy, khi chiếc xe gặp tai nạn thì bạn được nhận bồi thường từ bảo hiểm như chủ cũ.
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)