1. Quay đầu bừa bãi
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ hiện quy định rõ ràng về việc xe ô tô chỉ được phép quay đầu ở những nơi có biển chỉ dẫn, nhưng thực tế tình trạng quay xe vô tội vạ diễn ra ở nhiều nơi, thậm chỉ cả những nơi có vạch liền. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông, chưa kể làm phát sinh nguy cơ tai nạn.
Chiếc xe trắng vô tư quay đầu giữa hai luồng phương tiện lưu thông khiến nhiều người ngán ngẩm.
2. Dừng đỗ phong cách “đại tiện”
Không hiếm người đi ô tô giữ thói quen tiện lợi, thường xuyên dừng đỗ hay thậm chí tạt ngang cắt làn để mua hàng ven đường hết sức nguy hiểm. Ở cổng nhiều trường học, cảnh phụ huynh dừng luôn xe giữa đường khi đưa đón con cái là không hiếm, gây cản trở giao thông, đặt trẻ vào tình huống nguy hiểm và làm phát sinh nguy cơ va chạm cho phương tiện khác. Việc mở cửa ô tô giữa đường cũng tạo ra nhiều rủi ro cho các phương tiện lưu thông xung quanh.
Cần mua hoa quả, chủ xe Ranger dừng luôn giữa đường.
3. Lấn làn ngược chiều
Tình trạng này xảy ra nhiều trên các tuyến đường hẹp với hai làn xe, và thường do tài xế không chấp hành việc xếp hàng. Những lái xe “xấu tính” thường có xu hướng chen lấn để mong đi nhanh hơn. Thói quen tai hại này gây phiền toái cho những người xung quanh, bởi chỉ có cần một phương tiện đi đúng làn ở chiều ngược lại xuất hiện sẽ dẫn tới tình trạng đối đầu, khiến toàn tuyến đường tắc cứng.
Chỉ vì tài xế chiếc BMW “xấu tính” lấn làn đã khiến làn đường ngược chiều tắc cứng.
4. Bật pha vô tội vạ
Mặc dù đã thường xuyên được phê phán trên các diễn đàn và kênh truyền thông đại chúng, nhưng thói quen giương pha cao (high beam) giữa phố vẫn xảy ra thường ngày, khiến các lái xe ngược chiều không thể quan sát đường đi rất nguy hiểm. Nhiều lái xe chỉ thuần túy nghĩ “đèn sáng hơn cho dễ nhìn”, trong khi số khác hoàn toàn sơ ý khi điều khiển xe đang bật chế độ pha cao nhưng không hề hay biết.
Chiếc ô tô giương pha trong phố khiến lái xe đi chiều ngược lại gần như “mù”.
5. Dừng đỗ chắn lối đi chung
Quan sát trước khi đỗ xe là bài học vỡ lòng với bất kì người điều khiển ô tô nào. Tuy nhiên, trong thực tế không hiếm tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra do các chủ ô tô đỗ phương tiện ẩu. Thậm chí, một số tình huống bức xúc đã khiến cả chủ nhà lẫn chủ xe phát sinh hành vi tiêu cực. khiến phương tiện hư hại và vi phạm pháp luật một cách đáng tiếc.
Chiếc sedan đỗ chắn cửa ra vào căn hộ, khiến chủ nhân chỉ còn biết đứng nhìn ngán ngẩm.
6. Chen lấn, bám xe phía trước quá sát
Một mẹo vặt thường được các lái mới luyện tập là bám xe phía trước càng sát càng tốt, thậm chí luồn lách mọi khe hở xuất hiện trên các tuyến đường đông đúc để tránh bị xe khác chen ngang. Trên thực tế, thói quen này tạo ra nhiều rủi ro lớn, nhất là khi bị mắc kẹt với xe khác, không phản xạ kịp dẫn tới va chạm, dừng dở dang khi đang vượt ngã tư hay thậm chí là nơi giao cắt với đường sắt…
Một phút “chớp thời cơ” thiếu may mắn khiến chiếc sedan mắc kẹt giữa hai gã khổng lồ.
7. “Tranh thủ” làn xe máy
Nhiều tuyến đường có phân làn rõ ràng thường chứng kiến cảnh các lái xe ô tô “tranh thủ” phần đường của xe máy để đi nhanh hơn. Đây là thói xấu rất nguy hiểm, thường đặt người điều khiển xe hai bánh trước nhiều rủi ro khi phải đối đầu với các phương tiện to lớn hơn – thậm chí có cả xe container, xe buýt.
Mặc dù đầu hầm có biển phân làn, chiếc hatchback đỏ cố tình đi vào làn xe máy để tiết kiệm thời gian.
8. Dàn hàng ngang
Thói quen của nhiều lái xe trong đô thị là lách phải khi làn chính đang đi có dấu hiệu chững lại. Điều này khiến xe máy không còn không gian để di chuyển. Với các tuyến đường chật hẹp, tình trạng tắc là không tránh khỏi, do chỉ cần một xe máy không thể di chuyển, ô tô phía sau cũng nghiễm nhiên “bó chân”.
Ô tô dàn hàng ngang, xe máy đánh liều đi ngược chiều.
Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều đến văn hóa giao thông. Đô thị là nơi tập trung cư dân trình độ văn hóa cao… nhưng những “thói xấu” của người cầm lái vẫn thường xuyên xuất hiện. Có ý thức chấp hành luật lệ giao thông đem lại an toàn cho chính bạn và những người xung quanh là tốt, nhưng chưa đủ. Tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn xảy ra như hiện nay có nguyên nhân không nhỏ từ những thói hư, tật xấu.
Hoàng Linh