Cụ thể, trong các thử nghiệm, Kia Picanto (Kia Morning) thế hệ mới nhận điểm số 0% về khả năng bảo vệ người lớn, 7% về trang bị an toàn, 51% về bảo vệ người đi bộ và chỉ 29% về bảo vệ hành khách bên trong. Tổng cộng, mẫu xe Hàn Quốc này được…0/5 sao Latin NCAP. Dĩ nhiên, KIA Morning không đơn độc, bởi tình trạng tương tự cũng xảy ra với một số mẫu xe cỡ nhỏ hạng A khác. Theo Viện Bảo hiểm an toàn đường bộ Hoa Kỳ (IIHS), tỉ lệ người cầm lái tử vong trên xe cỡ nhỏ hạng A (như Morning, Rio, i10, Brio…) chiếm tới 15 trên tổng số 20 vị trí đầu trong bảng xếp hạng.
Xe cỡ lớn thuộc các nhóm B (Vios, City…), C (Altis, Mazda3, Elantra…), D (Camry, Accord) cùng biến thể gầm cao tương ứng … có trọng lượng nặng hơn, phần mũi dài và nhiều không gian khung gầm hơn cho những chi tiết có thể gãy vỡ để triệt tiêu lực tác động. Vì vậy, chúng an toàn hơn trong các tình huống tai nạn, đặc biệt là khi có va chạm trực diện. Do tương quan trọng lượng, xe cỡ nhỏ cũng thường bị “thổi bay” nếu đâm trực diện vào các phương tiện có kích thước lớn hơn, đồng nghĩa lực tác động lên người ngồi trong khoang lái gia tăng.
Kích thước luôn khiến xe nhỏ bất lợi trong các tình huống va chạm.
Bên cạnh yếu tố kĩ thuật, thực tế không thể phủ nhận là bối cảnh giao thông ngày nay đem tới nhiều rủi ro hơn cho xe cỡ nhỏ. Trong đó phải kể tới việc tốc độ trung bình phương tiện gia tăng, cũng như sự hiện diện ngày càng nhiều của xe cỡ lớn, gầm cao… – đặc biệt là các dòng SUV và bán tải vốn đang chiếm thị phần xe mới ngày càng lớn tại nhiều quốc gia.
Nếu không may đối mặt trực diện với những “quái thú” này, xe cỡ nhỏ ít có cơ hội lành lặn.
Thêm vào đó, với thiết kế tập trung đáp ứng nhu cầu vận hành trong đô thị, xe nhỏ cũng khó thích ứng với đường trường. Nhiều quốc gia không cho xe nhỏ tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc, một phần do động cơ công suất thấp không phù hợp cho việc đảm bảo tốc độ di chuyển trung bình, đặc biệt là khi cần xử lý tình huống vượt, tránh… Xe nhỏ cũng dễ bị mất ổn định khi di chuyển nhanh, đặc biệt là trong mưa bão hoặc chạy song song với các phương tiện hạng nặng.
Công nghệ giúp xe cỡ nhỏ an toàn hơn nhiều trong môi trường đô thị, nhưng đường trường là câu chuyện khác.
Nguy hiểm như vậy, liệu chúng ta có nên mua xe cỡ nhỏ? Dĩ nhiên là có, bởi xe nhỏ đặc biệt lý tưởng trong bối cảnh giao thông đô thị hiện đại. Chúng có giá rẻ, tiết kiệm chi phí sử dụng, trong khi lại dễ di chuyển và dừng đỗ trong các con phố đông đúc chật hẹp. Xe loại này cũng thân thiện môi trường và có chi phí bảo hiểm “dễ thở” hơn so với những mẫu SUV hay sedan cỡ lớn.
Trong những năm qua, hàng loạt phát kiến về công nghệ cũng giúp những chiếc xe hạng A bảo vệ người dùng tốt hơn. Theo IIHS, số ca tử vong xảy ra trên 1 triệu xe cỡ nhỏ từ 1-3 năm tuổi đã giảm 56% trong giai đoạn từ năm 2005-2015. Đây là thành tựu đến từ khung gầm sử dụng vật liệu mới, túi khí, camera lùi, cơ chế chống bó cứng phanh, ổn định thân xe điện tử, đèn pha LED… cùng vô vàn các chức năng an toàn chủ động hiện đại khác. Tất cả giúp những chiếc xe nhỏ ngăn chặn rủi ro từ từ sớm, đồng thời khó bị lật, bẹp trong các vụ tai nạn hơn so với trước đây.
Nói cách khác, xe nhỏ tuy kém an toàn hơn so với xe cỡ lớn, nhưng không có nghĩa là không an toàn. Tuy vậy, những giải pháp an toàn chỉ phát huy tác dụng tối ưu trong môi trường mà thiết kế của những chiếc xe nhỏ hướng tới: đô thị. Dĩ nhiên, đó là nếu nhà sản xuất đủ “tốt bụng” để trang bị đầy đủ những thứ cần thiết trên những chiếc xe bán ra thị trường.
Theo nghiên cứu năm 2015 của IIHS, số ca tử vong xảy ra trên 1 triệu xe cỡ nhỏ từ 1-3 năm tuổi là 64, cao hơn so với SUV cỡ lớn (13 ca/1 triệu xe)
Cho dù thế nào, cần phải nhấn mạnh rằng yếu tố con người luôn đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo an toàn khi di chuyển. Người cầm lái cần nắm rõ cách vận hành, ý nghĩa của các thiết bị an toàn trên xe; đồng thời cần trau dồi thường xuyên kĩ năng vận hành phương tiện, tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn giao thông. Việc lái một chiếc xe nào luôn không quan trọng bằng điều khiển chiếc xe ấy như thế nào.
Hoàng Linh