Tháng 10 tiếp tục chứng kiến đà hồi phục chậm chạp đã được dự đoán từ trước tại Mỹ sau nửa năm đầu “thảm họa”. Dù doanh số tổng vẫn chưa bằng được cùng kỳ năm ngoái, sức mua xe SUV và bán tải vẫn giúp nhiều hãng xe lạc quan hơn vào giai đoạn trước mắt.
Ford có lẽ là thương hiệu tự tin nhất sau tháng 10 khi họ chuyển cách báo cáo doanh số từ từng quý (do lo ngại kết quả kém ảnh hưởng xấu tới các nhà đầu tư) thành từng tháng, theo bước Honda và Toyota. Doanh số hãng giảm 5,8% trong tháng 10 nhưng Lincoln – thương hiệu con hạng sang lại tăng 2,8%. Chi tiết hơn, đội hình SUV Ford chứng kiến mức tăng mạnh tới 9,4% nhờ Expedition và Explorer, kéo lại doanh số bán tải giảm 4%.
Explorer trở lại mạnh mẽ giúp Ford kéo lại doanh số sau giai đoạn “mở hàng” khủng khiếp.
Xu thế tương tự tái diễn ở Honda với mức giảm 3,4% ở thương hiệu chính nhưng tăng ở thương hiệu con Acura cùng phân khúc bán tải. SUV Honda Pilot và Passport cùng bán tải Ridgeline đều đạt doanh số tốt hơn năm trước, trong đó Pilot tăng mạnh nhất với tỉ lệ 22,1%.
Trong khi đó, Toyota vượt trội hẳn so với các đối thủ với doanh số tổng tăng như khi không có dịch ở mức 8,8%. Mức tăng đều của tập đoàn Nhật diễn ra ở mọi phân khúc trừ sedan với các chủ lực Tacoma bán tải, RAV4 SUV và Highlander SUV.
2 thương hiệu Hàn Quốc là Hyundai và Kia cũng có kết quả khả quan với mức tăng lần lượt 0,5 và 12,2%. Chủ lực Kia lại rơi vào đúng mẫu xe đắt tiền nhất đội hình là Telluride, hỗ trợ bởi Seltos và K5 (Optima). Về phần Hyundai, hãng có mũi đinh ba là Kona, Palisade và Sonata mới.
Tham khảo: Car and Driver