01.
Quách Kỳ Lân sinh năm 1996, là một diễn viên tướng thanh (một loại khúc nghệ của Trung Quốc dùng câu nói vui, hỏi đáp hài hước để gây cười). Tuy nhiên, cậu còn nổi tiếng hơn khi được biết đến là đại thiếu gia của Công ty Truyền thông Văn hóa Deyunshe Bắc Kinh (hay còn gọi là Đức Vân Xã), tức là con trai của người sáng lập Quách Đức Cương – một diễn viên và MC của các talkshow lừng danh.
Quách Kỳ Lân (bên trái), một phú nhị đại (thế hệ F2 hưởng giàu có từ bố mẹ) trong giới showbiz Trung Quốc, từng khiến nhiều người trầm trồ khi lái chiếc siêu xe McLaren 720S đi làm.
Vì thế, không mấy ngạc nhiên khi “cậu ấm” họ Quách sở hữu chiếc siêu xe McLaren 720S, được biết là “kỷ nguyên mới” cho dòng Super Series đến từ Anh quốc. Còn tại thị trường quê, siêu xe McLaren 720S có giá khởi điểm vào khoảng 208.600 Bảng Anh.
Ngay từ thời điểm mới ra mắt, siêu xe 720S đã có hơn 1.500 đơn đặt hàng của các đại gia trên thế giới. Để chiếc xe này có thể lăn bánh trên đường, chủ nhân của nó có thể phải bỏ ra tới trên dưới 20 tỷ đồng.
Khoảnh khắc cửa xe mở ra, Quách Kỳ Lân bước đi trong sự ngưỡng mộ.
Với gia thế tốt, Quách Kỳ Lân có thể an nhàn hưởng thụ và không phải quá chi li, tiết kiệm. Nhưng bản thân “thiếu gia Đức Vân Xã” vẫn không ngừng làm việc chăm chỉ. Anh liên tục xuất hiện trong các bộ phim truyền hình, chương trình TV, các talkshow và show thực tế đa dạng tại Trung Quốc.
Trong một chương trình, Quách Kỳ Lân khiến nhiều người kinh ngạc khi để lộ khía cạnh tiết kiệm đến mức cực đoan của mình và nhận danh hiệu “Phú nhị đại keo kiệt nhất nhì thế hệ”.
Cụ thể, Kỳ Lân vẫn luôn sống trong căn nhà thuê ở Bắc Kinh, trang trí rất đơn giản, chỉ có ghế sô pha, bàn cà phê, ghế đẩu, giường ngủ. Anh cũng mua những đồ gia dụng rẻ tiền, trữ những túi hàng mua đồ tại siêu thị để đựng rác, bao giờ rác đầy túi thì mới bỏ đi. Một lần, khi bóng đèn ở nhà bị hỏng, Kỳ Lân cũng ngại mua cái mới nên suốt một thời gian, chỉ sống nhờ ánh sáng yếu ớt hắt ra từ màn hình máy tính.
Trong lần tổ chức sinh nhật lần thứ 50 của cha nuôi Vu Khiêm, Quách Kỳ Lân đã thể hiện “bản chất” khi viết thư với nội dung: “Tặng thuốc lá thì sợ bố ho; tặng rượu thì sợ bố không khỏe, tặng máy uốn tóc thì con không biết xem hàng. Nghĩ tới nghĩ lui, vẫn là tặng bố một phong thư do đích thân con viết, có thể biểu đạt tình cảm trìu mến, đương nhiên, chủ yếu vẫn là để tiết kiệm tiền!”
Đương nhiên, cách giải thích hài hước này không khiến người khác phật lòng. Quách Kỳ Lân lại càng gây ấn tượng tốt vì không sở hữu những thói quen tiêu xài hoang phí.
Quách Kỳ Lân chia sẻ một khía cạnh khác về cuộc sống trên truyền hình.
Lý giải cho những thói quen này, Quách Kỳ Lân chia sẻ: “Do gia đình từng có thời gian khá nghèo trước khi bố em trở nên nổi tiếng nên em hiểu rất rõ cảm giác nghèo là như thế nào. Việc tiết kiệm đến như một lẽ tự nhiên”.
Quách Kỳ Lân năm nay mới 25 tuổi nhưng đã có sự trưởng thành nhất định. Từ cách ứng xử này, có thể thấy, cậu hiểu rõ giá trị của đồng tiền và luôn hướng tới cuộc sống tiết kiệm, chỉ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu của bản thân.
Ngoài Quách Kỳ Lân, giới giải trí Hoa ngữ cũng có Ngụy Đại Huân cũng được gán cho danh hiệu “thánh tiết kiệm”. Cha của anh – ông Ngụy Thiệu Lâm là 1 doanh nhân ngành địa ốc nổi tiếng. Thế nhưng, anh chàng từng bị bạn tốt “bóc mẽ” là từ trước tới nay chưa bao giờ mời một bữa cơm nào. Bản thân Ngụy Đại Huân cũng từng chia sẻ rằng, anh khá thân thiết với MC nổi tiếng Hà Cảnh vì “đi chung thì rất có khả năng không cần phải tốn tiền chi trả bất cứ thứ gì”.
Có thể thấy rằng, tiền bạc là dũng khí của con người và tiết kiệm là con đường vững chắc nhất để dẫn tới cuộc sống an nhàn về sau. Dù bạn có là phú nhị đại, là cậu ấm cô chiêu sở hữu gia tài bạc tỷ thì “tiết kiệm vẫn là quốc sách”.
Trong thế giới đầy bất trắc này, không có thứ gì đem lại cảm giác an toàn cho tương lai nhiều hơn là một cuốn sổ tiết kiệm với thật nhiều chữ số 0.
02.
Tác gia William Somerset Maugham của cuốn “Of Human Bondage” (Xiềng xích con người) từng viết: “Cái nghèo sẽ làm cho chúng ta trở nên keo kiệt, xấu tính và tham lam. Nó làm biến dạng tính cách của ta và khiến ta nhìn thế giới từ một góc độ khiếm nhã”.
Khi còn trẻ, chúng ta chỉ muốn thỏa mãn hết mọi mong muốn cá nhân của mình để cuộc sống tràn ngập niềm vui và sự thỏa mãn tức thì. Mãi đến khi bước vào chiến trường của những lo toan từ tiền thuốc men, tiền mua xe, tiền thuê nhà, tiền sữa bột cho con cái sau này, ta mới nhận ra rằng, học được cách tiết kiệm là mức độ cao nhất của kỷ luật tự giác.
Có 2 gợi ý cho những người muốn tăng thu – giảm chi và dễ sống hơn trong xã hội bị mắc kẹt bởi ham muốn này:
Thứ nhất, phân loại kim tự tháp rủi ro của riêng mình.
Tháp rủi ro thường được chia thành ba cấp độ, đó là: rủi ro mất mát, rủi ro chi tiêu và rủi ro sở hữu.
Đầu đời là giai đoạn bắt đầu tạo ra của cải. Rủi ro lớn nhất tồn tại trong giai đoạn này được tính là rủi ro mất mát: Trong những trường hợp khủng hoảng, bạn có thể gặp phải bệnh tật hoặc tai nạn nghiêm trọng, không còn khả năng tạo ra của cải, cũng như không thể đồng hành cùng gia đình và làm tròn trách nhiệm với gia đình.
Giai đoạn trung lưu của cuộc đời là giai đoạn tích lũy của cải, rủi ro lớn nhất đến từ khía cạnh chi tiêu: Đến độ tuổi này, trên có già, dưới có trẻ, trong gia đình dễ phát sinh rất nhiều khoản chi tiêu cần tới số lượng lớn mà thời gian cấp bách.
Sau trung niên, bạn bước vào giai đoạn tích lũy lượng tài sản lớn nhất và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mang tính sở hữu: Có thể liên quan tới vấn đề thừa kế, các loại thuế bất động sản, tranh chấp phân chia,… nếu xử lý không tốt sẽ gây ra nhiều rắc rối.
Nếu chúng ta không thể xác định rõ các rủi ro có thể phát sinh trong cuộc sống hàng ngày, rất khó có thể thực hiện quản lý rủi ro, dẫn tới kết quả phải gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, câu nói này áp dụng vào hoàn cảnh nào cũng đúng, nhất là trong trường hợp quản lý rủi ro. Nếu bạn đợi rủi ro xảy ra rồi mới bắt đầu ứng phó thì tổn thất đã xảy ra và thường là quá muộn để giảm bớt tổn thất.
Do đó, cần kết hợp những biện pháp phòng tránh và hạn chế rủi ro khác nhau, chẳng hạn như tận dụng một vài công cụ bảo hiểm tùy theo giai đoạn, mức thu nhập, loại rủi ro của bản thân và gia đình, v.v…
Thứ hai, áp dụng quy tắc 9:1
Nếu bạn có một cái rổ, mỗi sáng bỏ 10 quả trứng vào rổ và ăn hết 9 quả trứng trong ngày hôm đó, cuối cùng điều gì sẽ xảy ra?
Kết quả: Giỏ sẽ đầy, vì số trứng bỏ vào nhiều hơn số trứng lấy ra ăn.
Đây chính là nguyên tắc tích lũy quan trọng nhất. Hãy bỏ vào ví 10 đồng nhưng chỉ được dùng tối đa 9 đồng.
Nói cách khác, nếu bạn muốn đạt được tự do tài chính, bạn phải bắt buộc tiết kiệm, bất kể khi nào và ở đâu, không thể có ngoại lệ.
Tổng kết lại, chúng ta có Quy tắc 9:1 như sau: Sống theo khả năng, chi tiêu tối đa 90% thu nhập và bắt buộc tiết kiệm tối thiểu 10% thu nhập còn lại.
Chỉ bằng cách tiết kiệm thường xuyên và có định lượng, nếu có thể thì cộng thêm tăng lãi suất thông qua đầu tư khôn ngoan, bạn mới đạt được kết quả tăng thu – giảm chi.