Cách phân hạng xe ô tô theo từng phân khúc: A, B, C, D… đối với xe phổ thông và E, F… đối với các loại xe sang, xe siêu sang chủ yếu được dùng với kiểu loại xe sedan (hoặc hatchback). Ngoài ra, thế giới xe hơi còn vô vàn những kiểu xe khác với thiết kế rất đặc trưng, khó xếp được vào các phân khúc trên.
Nếu chỉ chia theo mục đích sử dụng, chúng ta đơn giản sẽ có xe tải và xe khách. Tuy nhiên mỗi loại xe tải hoặc xe khách lại được chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn nữa, phục vụ những đối tượng khách hàng chuyên biệt, dựa vào kiểu dáng thiết kế và công năng sử dụng.
Sedan
Đây là loại xe được coi là phổ biến nhất trên thế giới. Chúng có thiết kế 4 cửa ra vào với hai hàng ghế. Cấu tạo xe có 3 khoang (three-box) lần lượt từ trước ra sau: khoang động cơ, khoang ca-bin và khoang chứa đồ.
Xe sedan nói riêng có thể được chia thành các phân khúc: B, C, D, E, F… dựa theo kích thước và động cơ, trang bị. Đặc điểm chung của các xe sedan là có 3 cột trụ A – B và C nối liền nóc xe với thân xe.
Xe cỡ nhỏ (micro)
Được các hãng sản xuất xe hơi đẻ ra nhằm phục vụ đối tượng khách hàng ở các thị trường đang phát triển. Những xe loại này đa số hoạt động trong môi trường đô thị chật hẹp, nên có kích thước rất khiêm tốn (đi kèm đó là động cơ nhỏ và giá bán thấp).
Ví dụ điển hình là những mẫu xe: Smart for two tại thị trường Mỹ, hoặc các mẫu xe hạng A: Hyundai i10, Kia Morning… ở thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ… nói chung.
Ngoài ra, với đặc trưng đô thị siêu chật chội, giá bất động sản cao ngút trời (ví dụ như ở Tokyo), Nhật Bản sản sinh ra một loại xe mang phong cách rất “đặc sản” mang tên “Kei-car” cũng mang những đặc điểm chung của xe micro. Chúng thường có thiết kế vuông vắn, kích cỡ siêu nhỏ gọn theo xu hướng “cắt đầu, gọt đuôi” sao cho tiết kiệm không gian nhất có thể.
Coupe
Đây là những mẫu xe có thiết kế ba khoang (three-box) tương tự như sedan, nhưng chỉ có một hàng ghế với chỉ hai chỗ ngồi và hai cửa ra vào. Tương ứng với đó những chiếc coupe sẽ chỉ có hai trụ A và B. Loại xe này thường chỉ được các hãng xe sang sản xuất, phục vụ các cặp đôi thích hưởng thụ và ưa thích thiết kế thể thao.
Cabriolet
Biến thể mui trần của những chiếc sedan. Những mẫu xe này có thiết kế ba khoang, bốn cửa, hai hàng ghế. Tuy nhiên thay vì phần nóc xe cố định, mỗi chiếc cabriolet được trang bị một bộ mui có thể đóng mở linh hoạt. Thông thường khi mở ra, phần mui này sẽ được giấu ở phía trên cốp sau. Hình ảnh những chiếc Cabriolet lướt đi dọc eo biển thường được gắn với những thương hiệu xe sang đắt tiền.
Roadster
Biến thể mui trần của những chiếc Coupe, với thiết kế ba khoang, hai cửa ra vào và một hàng ghế với hai chỗ ngồi. Tương tự như những chiếc cabriolet, các mẫu roadster được trang bị phần mui có thể gập mở linh hoạt và được giấu ở phía trên cốp sau. Cũng giống như những người anh em Coupe và Cabriolet, các mẫu xe Roadster thường là xe hạng sang thể thao, dành cho giới nhà giàu.
Hatchback (sub-sedan)
Về cơ bản, kiểu loại xe này có kích thước khá nhỏ gọn như những mẫu sedan, nhưng thay vì thiết kế ba khoang, thì lại chỉ có hai khoang: khoang động cơ và khoang cabin. Thay vào đó, khoang chứa đồ được tích hợp thẳng vào trong khoang nội thất, ở dưới hàng ghế sau. Loại xe này cũng chủ yếu phục vụ đối tượng người dùng trong đô thị hoặc các gia đình nhỏ.
Một biến thể nhỏ của hatchback là Fastback: loại xe về cơ bản là sedan, nhưng có thiết kế cột C dốc thẳng từ đuôi nóc xe xuống hết cốp sau, khiến cho nó có “cảm giác” nhìn giống những chiếc hatchback. Thiết kế này đem lại cho ngoại hình của chúng một không khí rất thể thao và hiện đại.
SUV (Sport Utility Vehicle – thể thao đa dụng)
Là những mẫu xe gầm cao với ba hàng ghế. Đối tượng khách hàng của những mẫu SUV là gia đình nhiều người, cần một phương tiện có khả năng vượt địa hình tốt. Nhu cầu SUV lớn đến nỗi ngay cả những hãng xe siêu sang cũng phải nhảy vào phân khúc này, nhằm gia tăng lợi nhuận. Điển hình là ví dụ của: Rolls-Royce Cullinan, Bentley Bentayga, Lamborghini Urus hay Ferrari Purosangue.
CUV (Crossover Utility Vehicle – xe gầm cao cỡ nhỏ)
Về cơ bản là những mẫu xe có thiết kế tổng thể khá giống với xe SUV, nhưng kích thước nhỏ gọn hơn để phù hợp với môi trường đô thị. Ta có thể dễ dàng phân biệt SUV với CUV dựa vào thiết kế: SUV thường có khung gầm rời (body on frame) còn CUV sở hữu khung gầm liền khối (unibody). Và một điểm khác biệt nữa là những chiếc CUV chỉ có hai hàng ghế với 5 chỗ ngồi. Phân khúc này tại Việt Nam từng được mở màn bởi Ford EcoSport và hiện đang được dẫn dắt bởi Hyundai Kona.
Wagon
Thiết kế cơ bản khá giống với những mẫu hatchback nhưng phần đuôi (vốn là không gian dành cho khoang hành lý) được kéo dài ra phía sau. Điển hình của loại xe wagon là dòng Volvo V-series của Thuỵ Điển. Xe Wagon thường được các gia đình Âu – Mỹ ưa chuộng.
MPV (Multi Purpose Vehicle – xe đa dụng)
Là những mẫu xe cỡ lớn, trục cơ sở dài và gầm thấp. Thân xe được chia cơ bản làm hai khoang: khoang động cơ và khoang ca-bin. Đối tượng phục vụ của dòng xe này là các doanh nghiệp đưa đón nhân viên, các hãng taxi hoặc cao hơn nữa là đối tượng thương gia cần một phương tiện chuyên chở tiện nghi, thoải mái.
Do đó, những chiếc xe loại này thường được chú trọng đến hàng ghế cho người ngồi sau, hơn là hàng ghế lái phía trước. Những cái tên MPV “sừng sỏ” tại thị trường Việt Nam có thể kể tới như: Toyota Innova, Mitsubishi Xpander, Kia Sedona, Ford Tourneo hay cao cấp hơn là Toyota Alphard.
Bên cạnh đó, biến thể của MPV là loại xe Minivan với thiết kế một khoang (chung cho cả động cơ và ca-bin hành khách) và ba cửa ra vào: hai cửa trước cạnh ghế lái và ghế phụ, kèm theo một cửa sau ở phía bên phụ. Những chiếc Minivan còn có phần cửa cốp rất rộng, để ưu tiên cho việc chở đồ hoặc ra vào từ phía sau xe. Điển hình của Minivan là những chiếc xe cấp cứu cỡ nhỏ Hyundai Starex.
Van (xe tải)
Loại xe có thiết kế một khoang chung cho cả động cơ, ca-bin hành khách và khoang chứa đồ. Xe Van thường có ba cửa ra vào giống những chiếc minivan, và một cửa cốp lớn. Chiều dài trục cơ sở và chiều dài tổng thể của những chiếc xe van thường lớn, tối ưu cho khối lượng hành khách hoặc hàng hoá cần chuyên chở. Những cái tên không thể bỏ qua là: Ford Transit, Toyota Hiace.
Bán tải (pick-up)
Là loại xe được người dân nước Mỹ ưa chuộng nhất và từng có một thời nở rộ như “nấm mọc sau mưa” tại Việt Nam do được hưởng ưu đãi thuế. Xe bán tải có thiết kế ba khoang riêng biệt: Khoang động cơ, khoang ca-bin hành khách và một thùng chở đồ hở mui riêng ở phía sau. Điểm chung của SUV và Pick-up là sử dụng cấu trúc khung gầm rời body-on-frame. Do đó nhiều mẫu SUV trên thị trường được các hãng phát triển dựa trên nền tảng cơ sở của các mẫu bán tải anh em, điển hình như trường hợp của Toyota Fortuner và Toyota Hilux.
Xe thể thao (Sport car)
Được sản xuất giới hạn với giá thành siêu đắt và thường được gọi là “siêu xe”. Những chiếc xe loại này có đặc điểm chung là gầm rất thấp, thường chỉ có 2 chỗ ngồi và được gắn động cơ siêu mạnh. Tất cả thiết kế đều nhằm tới một mục đích chung: làm sao cho chiếc xe “phóng” nhanh nhất có thể và đem lại cho người lái cảm giác trải nghiệm tốc độ tốt nhất. Hai đại diện kỳ phùng địch thủ đến từ Italia chuyên sản xuất những chiếc siêu xe là: Lamborghini và Ferrari.