Czinger – một hãng xe tương đối non trẻ trong lĩnh vực hypercar ngày càng phát triển đang tự biến mình trở nên khác biệt so với các đối thủ không chỉ bằng hiệu suất đáng kinh ngạc mà còn cả quy trình sản xuất mang tính cách mạng. Theo quảng cáo, siêu xe 21C của họ có hệ dẫn động hybrid sử dụng động cơ V8 2.88l có tua máy lên tới 11.000 vòng/phút và kết hợp với hai động cơ điện.
Toàn bộ hệ động lực tạo ra 1.233 mã lực, cho phép 21C tăng tốc từ 0-100km/h trong 1,9 giây và đạt tốc độ tối đa 431 km/h. Tất cả những thông số đó có thể rất ấn tượng, nhưng trong một ngành công nghiệp mà quá trình “điện hoá” đang ngày càng diễn ra với tốc độ nhanh hơn, các nhà sản xuất cần phải tìm ra những cách khác để tạo sự khác biệt với đối thủ. Đó là lý do vì sao Czinger phải suy nghĩ khác biệt ngay từ quy trình sản xuất xe của mình.
Ngay từ khâu thiết kế, hãng đã ứng dụng sự kết hợp giữa kỹ thuật máy tính và thiết kế tổng hợp. Cụ thể hơn, các kỹ sư sẽ sử dụng máy tính để tối ưu hóa các bộ phận cho một mục đích nhất định trong một tập hợp các ràng buộc. Những ràng buộc như vậy bao gồm các mục tiêu về trọng lượng, sức mạnh, kích thước, vật liệu và điểm gắn kết. Sau đó, các thông số sẽ được nhập vào máy tính và nó sẽ trả về kết quả là một chi tiết nhẹ nhất, mạnh nhất dựa trên các ràng buộc đã cho.
Máy tính làm điều đó bằng cách tìm ra chính xác điểm nào cần phải được gia cường thêm nhiều vật liệu và điểm nào không. Điều này dẫn đến một số thiết kế rất tự nhiên khiến chiếc xe gần giống như người ngoài hành tinh, nhẹ và mạnh nhưng cũng rất đặc biệt. Hiệu năng quyết định thiết kế của chiếc xe, khiến diện mạo 21C hơi giống một chiếc xe đua của giải Le Mans với buồng lái nổi gò lên ở chính giữa và thân xe được khoác lên các chi tiết cơ khí một cách thanh lịch.
Chiến lược độc đáo tiếp theo mà Czinger theo đuổi đó là việc áp dụng rộng rãi công nghệ in 3D để tạo ra các bộ phận – quy trình này còn được gọi là sản xuất phụ gia. Ngoài các chi tiết sợi carbon, phần lớn còn lại của 21C được làm bằng hợp kim nhôm và titan. Vì thiết kế của các bộ phận được tối ưu bằng máy tính rất phức tạp, nên Czinger hầu như không thể gia công hoặc đúc kim loại thành những chi tiết có cấu trúc phức tạp như vậy.
Đó là lý do tại sao Czinger thay vào đó sử dụng một quy trình sản xuất phụ gia được gọi là thiêu kết lớp chọn lọc (Selective Layer Sintering – SLS). Nó hoạt động bằng cách sử dụng tia laser để làm đông đặc, hoặc nung kết từng lớp kim loại dạng bột cho đến khi đạt được một bộ phận hoàn thiện. Mặc dù SLS không phải là công nghệ độc quyền của Czinger, nhưng việc ứng dụng nó trong quá trình sản xuất siêu xe của họ là một động thái rất có tư duy tương lai.
Quy trình đổi mới cuối cùng của Czinger là phương pháp lắp ráp của họ. Hãng đã phát triển một thứ gọi là Đơn vị tự động (Automated Unit – AU), sử dụng một phương pháp sản xuất được gọi là lắp ráp dọc. Mỗi AU là một hệ thống các cánh tay robot hoạt động đồng bộ với nhau để lắp ráp những chiếc xe. Một số cánh tay sẽ giữ khung xe và xoay nó khi cần thiết, trong khi những cánh tay khác gắn các bộ phận vào xe. Cũng cần lưu ý rằng AU có thể làm tất cả những điều này mà không cần sự giám sát của con người.
ột lợi ích khác của hệ thống AU là tính linh hoạt mà nó đem lại. Bởi vì mỗi AU là đơn vị độc lập của riêng nó và hoàn toàn được vi tính hóa, chúng có thể được lập trình lại và / hoặc mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu của bất kỳ công việc nào. Hơn hết, chi phí đầu tư cho hệ thống này chỉ bằng một phần nhỏ so với dây chuyền lắp ráp thông thường, khiến nó không chỉ tiên tiến và linh hoạt hơn mà còn rẻ hơn.
Mặc dù quy mô sản xuất của Czinger hiện đang tương đối nhỏ vì hãng chỉ định tạo ra 80 chiếc 21, nhưng với khả năng mở rộng quy trình, tất cả công nghệ mang tính cách mạng đó cuối cùng có thể đến được với phần còn lại của ngành xe hơi. Chúng ta có thể đang chứng kiến một sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp xe hơi – một ngành mà con người bị loại bỏ dần và được thay thế bằng những cỗ máy vô cùng tiên tiến và hiệu quả.