Pháp luật quy định các phương tiện giao thông phải thực hiện thủ tục đăng ký và gắn biển số, nếu không sẽ bị coi là vi phạm pháp luật giao thông và bị xử lý theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
– Đối với phương tiện giao thông là xe ô tô, khi lưu thông mà không có gắn biển số thì người điều khiển xe khi bị phát hiện hành vi sẽ phải chịu xử lý hành chính bằng phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra người điều khiển phương tiện còn phải chịu hình phạt bổ sung là giao nộp Giấy phép lái xe cho cơ quan có thẩm quyền trong thời gian từ 1 tháng đến 3 tháng (Theo quy định tại Điểm b Khoản 4 và Điểm a Khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
– Trong trường hợp phương tiện không có gắn biển số khi tham gia giao thông là các loại xe như xe máy, mô tô (kể cả các xe khác tương tự): Mức xử phạt được áp dụng đối với lỗi này được xác định là 300.000 đến 400.000 đồng (Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
– Đối với các loại xe thô sơ mà theo quy định bắt buộc phải đi đăng ký và gắn biển số nhưng trong quá trình khi tham gia giao thông bị phát hiện là không có biển số sẽ phải chịu xử lý về hành chính với mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền với số tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng (Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Nguyên tắc xử phạt được nêu rõ tại Khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Ví dụ: Do bị mất biển, Anh A lưu thông trên đường bằng ô tô không gắn biển số. Khi Cảnh sát giao thông huyện X phát hiện, anh A bị lập biên bản và bị xử phạt theo quy định tại Điểm b Khoản 4 và Điểm a Khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với khung hình phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Trường hợp của anh A không có tình tiết tăng nặng lẫn các tình tiết giảm nhẹ nên mức phạt được áp dụng sẽ bằng mức trung bình cộng của khung hình phạt này, cụ thể là 2.500.000 đồng.
Theo đó, để tránh bị xử phạt như trên, chủ sở hữu cần phải nhanh chóng thực hiện thủ tục cấp lại biển số khi bị mất biển. Căn cứ Điều 15 Thông tư 15/2014/TT-BCA, hồ sơ để xin cấp lại biển số khi bị mất bao gồm:
– Tờ khai về đăng ký xe của chủ xe (theo mẫu quy định).
– Các loại giấy tờ khác của chủ xe, mỗi chủ xe thuộc đối tượng khác nhau sẽ phải xuất trình các loại giấy tờ khác nhau, chẳng hạn như:
+ Nếu chủ xe là người Việt Nam sẽ phải xuất trình các loại giấy tờ như Chứng minh thư của công dân, công an, quân đội, thẻ học viên, thẻ sinh viên (nếu chủ xe là học viên, sinh viên).
+ Trường hợp chủ xe là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở trong nước phải có Sổ tạm trú (hoặc Sổ hộ khẩu), Hộ chiếu (hoặc giấy tờ khác thay thế).
+ Trong trường hợp cấp lại biển số cho các đơn vị ngoại giao, lãnh sự, tổ chức và nhân viên nước ngoài phải có các loại giấy tờ như: Giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước, Sở Ngoại vụ, Công hàm, Chứng minh thư của nhân viên.
Lưu ý:
Nếu biển số cũ là loại 5 số, khi cấp lại sẽ được giữ nguyên. Trong trường hợp biển số mất là loại 3 số, 4 số hoặc loại biển khác hệ, biển số mới sẽ bắt buộc chuyển sang loại 5 số theo quy định.