Cầu Thanh Trì trên địa bàn Hà Nội hiện đã mãn tải, lưu lượng phương tiện qua lại vào các khung giờ trong ngày đều rất đông, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, và đây cũng trở thành một điểm đen về TNGT.
Được biết, vừa qua Cục CSGT (Bộ Công an) đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT Hà Nội khắc phục tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì.
Nội dung văn bản cho biết, tình hình trật tự ATGT tại cầu Thanh Trì vẫn còn diễn biến phức tạp, ùn tắc giao thông xảy ra nhiều, TNGT có xu hướng tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng.
Vì vậy, Cục CSGT đề nghị Sở GTVT nghiên cứu điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì theo hướng bố trí mặt cầu thành 3 làn đường dành cho xe ô tô và 1 làn đường dành cho xe mô tô; Có dải phân cách mềm giữa làn đường dành cho xe mô tô và làn đường dành cho xe ô tô.
Điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép trên các làn đường dành cho xe ô tô từ 80km/h xuống 60km/h; Giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép trên đường dành cho xe máy là 50km/h. Cùng đó, cần điều chỉnh vạch kẻ đường, biển báo hiệu trên cầu cho phù hợp với các làn đường dành cho xe chạy.
Tương tự mới đây, 6 công ty Nhật Bản cũng kiến nghị Sở GTVT Hà Nội 4 giải pháp để tổ chức lại giao thông cầu Thanh Trì gồm: Tháo dỡ toàn bộ dải phân cách cứng giữa làn ô tô và 1 làn hỗn hợp; Phân làn lại tại một chiều đường, trong đó 3 làn ô tô và 1 làn hỗn hợp; Giảm tốc độ của tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu xuống 60km/h, riêng mô tô, xe máy là 50km/h; Lắp đặt camera giám sát để phát hiện và phạt nguội các phương tiện vi phạm tốc độ.
Thông tin về việc tổ chức, sắp xếp lại giao thông trên cầu Thanh Trì, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Thanh Trì hiện được tổ chức 3 làn xe mỗi chiều.
Trong đó, có 1 làn rộng 5,2m dành cho xe ô tô con và xe mô tô, xe gắn máy lưu thông với vận tốc đa 50km/h; 2 làn 3,75m/làn dành riêng cho ô tô lưu thông với vận tốc tối đa 80km/h.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện lưu lượng qua cầu Thanh Trì đã lên đến hơn 123.000 xe/ ngày đêm. Lưu lượng này vượt thiết kế ban đầu khoảng 8 lần (15.000 xe/ngày đêm). Do vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, TNGT và chỉ cần một va chạm nhỏ hay 1 phương tiện gặp sự cố cũng gây ùn tắc giao thông.
Cũng theo ông Tuấn, đến nay cầu Thanh Trì đã được sửa chữa, thay thế 24/28 khe co giãn, nhiều đoạn mặt cầu đã được sửa chữa bằng bê tông nhựa polime và đường dẫn hai đầu cầu đã được cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn, êm thuận cho các phương tiện lưu thông qua cầu.
Nói về phương án tổ chức giao thông để hạn chế ùn tắc và TNGT tại đây, ông Tuấn cho biết, trước mắt Sở GTVT kiến nghị TP Hà Nội giảm tốc độ khai thác 80km/h xuống 60km/h.
Về lâu dài theo ông Tuấn, Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thẩm tra ATGT đường bộ để đánh giá và có phương án tổ chức giao thông phù hợp với tình hình giao thông trên cầu Thanh Trì.
Cầu Thanh Trì bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàng Mai với quận Long Biên, bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Hoàng Mai), cắt đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại Thạch Bàn, Long Biên, điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Long Biên). Cầu chính dài 5.084 m với tổng chiều dài hơn 12.000 m, rộng 33,10 m với 6 làn xe chạy (4 làn xe ). Cầu Thanh Trì góp phần cơ bản giải quyết ách tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội.
Dự án cầu Thanh Trì có tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng (410 triệu USD), sử dụng vốn vay ODA, chủ đầu tư là Bộ GTVT, và Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. Cầu được hợp long vào 18/8/2006 và thông xe vào 2/2/2007.
Ngân Tuyền (ANTĐ)