Chưa hết ùn tắc
Tuy vậy, ghi nhận cho thấy, trong hai khung giờ cao điểm trong ngày, việc lưu thông qua cầu Thanh Trì vẫn rất khó khăn, tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra. Nếu phương tiện gặp sự cố thì tình trạng ùn tắc, kẹt cứng sẽ xảy ra.
Theo Sở GTVT Hà Nội, cầu Thanh Trì hiện được tổ chức 3 làn xe mỗi chiều, trong đó có 1 làn rộng 5,2m dành cho xe ôtô con và xe môtô, xe gắn máy lưu thông với vận tốc đa 50km/h và 2 làn 3,75m/làn dành riêng cho ôtô lưu thông với vận tốc tối đa 80km/h.
Hiện lưu lượng qua cầu đã lên đến hơn 123.000 xe/ngày đêm và đã vượt thiết kế ban đầu khoảng 8 lần (15.000 xe/ngày đêm gây tiềm ẩn nhiều nguy mất an toàn giao thông và ùn tắc giao thông. Để “giảm nhiệt” cho cầu Thanh Trì, trước mắt, Sở GTVT Hà Nội giảm tốc độ khai thác 80km/h xuống 60km/h.
Từ sáng 16/3, cầu Thanh Trì đã giảm tốc độ lưu thông trên các làn ô tô
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, về lâu dài, sẽ tổ chức thực hiện thẩm tra ATGT đường bộ để đánh giá và có phương án tổ chức giao thông phù hợp với tình hình giao thông trên cầu Thanh Trì theo công văn số 270/UBND-ĐT ngày 22/1/2021 của UBND TP Hà Nội về chủ trương thực hiện công tác thẩm tra an toàn giao thông, khắc phục tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì theo đúng quy trình, quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo hiệu quả đầu tư, sử dụng kinh phí…
Theo các chuyên gia giao thông, việc giảm tốc trên cầu Thanh Trì chỉ là giải pháp trước mắt. Mấu chốt vấn đề là phải thẩm tra an toàn giao thông nếu đây là các công trình thuộc diện sau khi đã cải tạo sửa chữa mà vẫn gia tăng tình trạng ùn tắc và TNGT.
Chưa thể giảm được tình trạng ùn tắc giao thông qua cầu Thanh Trì
Lưu lượng phương tiện quá lớn, vượt khả năng đáp ứng
Theo Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn – Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường ĐH GTVT), việc đưa ra một giải pháp phải có căn cứ khoa học và thực tiễn. Nếu giảm tốc độ để giảm ùn tắc giao thông thì không hợp lý vì vào giờ cao điểm các phương tiện qua cầu không thể đi với tốc độ 80km/h, trong khi đó việc tắc đường chủ yếu xảy ra vào giờ cao điểm còn các khung giờ khác thì chỉ khi có TNGT xảy ra mới ùn tắc.
Việc giảm tốc độ để tăng cường an toàn giao thông là hợp lý, cần phải có đánh giá việc TNGT có thực sự gây ách tắc tại khu vực cầu Thanh Trì không và nguyên nhân có phải do cho phép chạy tốc độ cao hay không. Cùng đó, những vụ TNGT thuộc phần đường dành cho ôtô hay phần đường hỗn hợp.
Theo Ths Vũ Anh Tuấn, việc giảm tốc độ không liên quan gì đến việc giảm ùn tắc tại cầu Thanh Trì. Vấn đề lớn nhất hiện nay do nhu cầu đã vượt quá khả năng thông hành và việc tổ chức giao thông chưa hợp lý nên không phát huy được hết năng lực tối đa.
Do đó, phải kiểm soát tình hình giao thông cầu các đường dẫn lên xuống để chia sẻ phân luồng phương tiện. Trước mắt, cần cải thiện việc tổ chức giao thông để nâng cao năng lực phục vụ của cầu Thanh Trì, cùng đó việc ôtô chuyển làn hai bên đầu cầu đã tạo xung đột là ùn tắc.
Về lâu dài, cần phải làm thêm làn đường cho cầu hiện hữu hoặc phải xây dựng cầu mới để đáp ứng nhu cầu, cùng với đó cần thay đổi kết cấu của cây cầu. Cụ thể, cần đẩy mạnh mạng lưới vận tải công cộng để giảm xe cá nhân, trong đó tập trung các tuyến buýt và đường sắt đô thị.
Còn theo Thạc sỹ chuyên ngành Đường ô tô vào thành phố Nguyễn Đình Chiển phân tích, hiện tại, dải phân cách cứng trên cầu Thanh Trì được lắp đặt kéo dài toàn bộ cầu, có tác dụng chia tách hai làn đường, cho lưu thông với vận tốc hơn kém nhau 10km/giờ.
Về mặt tích cực, sẽ có tác dụng đảm bảo an toàn khi phân định làn đường dành cho xe ô tô vận tải, xe khách cỡ lớn với xe ô tô nhỏ và xe mô tô. Nhưng thực tế cũng mang đến hạn chế đáng kể, vì khi có tai nạn hoặc phương tiện đơn lẻ nào gặp sự cố trên mỗi làn đường sẽ gây tắc cứng, không có lối thoát cho phương tiện phía sau.
Nhiều lái xe thường xuyên lưu thông trên cung đường này cho rằng, việc giảm tốc độ từ 80km/h xuống còn 60km/h qua cầu Thanh Trì không thể giảm được ùn tắc giao thông, thậm chí có thể khiến tình trạng giao thông qua đây tồi tệ hơn.
“Chúng tôi lưu thông qua cầu Thanh Trì chưa bao giờ chạy được với vận tốc 80km/h, có lẽ chỉ vào nửa đêm mới chạy được vận tốc này. Cầu Thanh Trì tắc là do lưu lượng phương tiện quá đông, các phương tiện lại đi ẩu nên hễ có sự cố là gây tắc nghẽn hàng giờ đồng hồ”- một lái xe cho hay.
N.T (ANTĐ)