Du lịch bằng bán tải không hẳn là lựa chọn hàng đầu của số đông. Bởi dòng xe này đặc thù có thùng chở hàng phía sau, khiến không gian chở người cùng hành lý bị hạn chế theo.
Tuy nhiên, nếu đi ít người và cần tới sự chắc chắn đương đầu với nhiều kiểu địa hình, thời tiết khác nhau như xuyên Việt thì bán tải lại gần như là lựa chọn top đầu. Chúng tôi lại càng thấy lựa chọn đó sáng suốt hơn khi trải qua gần 4.000km xuyên Việt vừa qua vào đúng mùa mưa bão và cùng chia sẻ với các bạn một số điểm lưu ý trong bài viết dưới đây.
“Đang mùa mưa bão đấy. Chẳng ai đi xuyên Việt tầm này cả.” – Đó là điều mà mọi người hay nói trước khi chúng tôi quyết định lên đường. Song, chúng tôi muốn thử thách bản thân, và người bạn đồng hành Mitsubishi Triton giúp chúng tôi tự tin hơn trên những chặng đường sắp tới. Như đã nói, với hành trình dài và cũng “xót” những chiếc vali đẹp xinh nên toàn bộ hàng sau dành cho hành lý. Trên xe có 2 người để đổi lái liên tục. Thùng hàng sẽ dành cho những lúc cần kíp chở theo đồ cồng kềnh.
Chờ những cơn bão lớn qua đi, chúng tôi mới bắt đầu xuất phát. Rời Hà Nội, chúng tôi cùng người bạn Triton tiến thẳng tới Huế. Đường mưa, trơn trượt nhưng bán tải rất vững chãi nên tự tin khi đi trên đường ướt. Vô lăng của Triton đầm và vô hình tạo thành lợi thế trong trường hợp này.
Sau hơn 650 km chạy gần như liên tục mà không cần đổ thêm dầu, chúng tôi đã kịp có mặt tại Huế. Kinh thành Huế hiện ra sừng sững. Huế đón đoàn bằng thời tiết đẹp, nắng nhẹ và mát.
Nếu đánh giá một cách chính xác, bán tải không bao giờ cho được cảm giác thoải mái và êm ái như sedan hay SUV. Thứ bán tải nói chung và Triton nói riêng mang lại là sự chắc chắn, an tâm thay vì sự tiện nghi, thoải mái. Dựa vào yếu tố này, bạn có thể tự quyết được phương tiện nếu xuyên Việt tùy vào từng thời điểm, thời tiết cũng như những cung đường mà mình chọn.
Chặng đường đầu tiên tuy dài nhưng rất dễ đi. Đường sá tại Huế vắng vẻ. Các điểm tham quan cũng vắng bóng người. Trong hình là Lăng Khải Định – một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Huế.
Tuy nhiên, thời tiết chỉ đẹp trong 2 ngày đầu tiên. Rời Huế tới Đà Nẵng, trời tiếp tục đổ mưa lớn. Mưa trắng trời, che khuất tầm nhìn và chỉ ngớt khi xe tới gần hầm Hải Vân. Một lần nữa, quyết định chọn bán tải cho thấy sự đúng đắn.
Đà Nẵng có mưa lớn vào ngày đầu nhưng bước sang ngày thứ hai, trời lại đẹp. Một trong những địa điểm đẹp nhất, đáng tới nhất nơi đây là chiếc Cầu Rồng bắc qua sông Hàn. Con Rồng khổng lồ chạy dọc theo thân cầu sẽ khạc ra lửa vào tối cuối tuần.
Tận dụng bán tải, chúng tôi xa rời quốc lộ 1A để sang đường mòn Hồ Chí Minh, chuyển hướng sang Tây Nguyên. Những cơn mưa lớn táp thẳng vào kính lái không còn nữa. Thay vào đó là nắng nhẹ và những đám mây trôi lững lờ quanh núi. Nhưng thay vào đó, đường xấu hơn, quanh co và nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.
Hết Quảng Trị, đường đi tới Tây Nguyên chủ yếu là đèo, núi. Nhiều đoạn đường sạt lở sau bão. Những chiếc xe xúc phải hoạt động hết công suất để tuyến đường được thông suốt. Chúng tôi liên tục phải gài cầu để xe có thể vượt qua những vùng ngập, lầy lội.
Đoạn đường thử thách nhất là đường đèo qua Trường Sơn Đông. Những đoạn đường cong uốn lượn quanh co. Một bên là rừng núi hùng vĩ, một bên là vực sâu thăm thẳm.
Sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn. Một số đoạn sạt lở, đất đá đổ xuống đường. Thậm chí, có những thân cây lớn đổ chắn ngang đường, chỉ chừa lại một phần mép đường với đầy bùn lầy, đủ để chiếc Triton lọt qua. Với hệ dẫn động 2 cầu và tính năng khóa vi sai cầu sau, Triton dễ dàng vượt qua vũng bùn mà dường như không tốn nhiều công sức.
Vào đến Kon Tum và Pleiku, những tia nắng đã quay trở lại. Màu xanh của cây cối và màu nâu của đất là hai tông màu chính của nơi đây.
Ở Tây Nguyên, hoàng hôn chỉ trong chớp nhoáng và nếu không tận dụng cơ hội sẽ bỏ lỡ mất. Màn đêm buông xuống rất nhanh, nhưng ở cuối chân trời vẫn le lói chút ánh sáng mặt trời với những quầng tím xung quanh.
Đã đến Buôn Mê Thuột, không nên bỏ qua bảo tàng cà phê do ông Đặng Lê Nguyên Vũ – ông chủ cà phê Trung Nguyên – gây dựng. Dù đây là công trình mới nhưng nó mang đậm nét Tây Nguyên với kiến trúc mô phỏng nhà rông bằng đá độc đáo.
Rời núi rừng, chúng tôi ra tới biển khơi. Mặc dù trời đã hửng nhưng vì mùa bão nên Nha Trang ít thuyền, bè. Ngư dân đã di dời tránh bão hết.
Nếu không phải mùa bão lũ, thuyền sẽ xếp kín dưới chân cầu. Thành phố biển Nha Trang trở nên yên bình hẳn. Không du lịch, cũng không có các hoạt động tàu, thuyền tấp nập.
Từ Nha Trang đến Mũi Né là quãng đường xấp xỉ 220 km, hết khoảng 4 tiếng lái xe. Trước khi đến Mũi Né, chúng tôi đi qua Bàu Trắng – cung đường vượt biển khiến nhiều tín đồ mê dịch chuyển dễ xiêu lòng.
Quả thực, đường đẹp 2 làn với 2 bên là cát trắng dễ khiến tài xế “mát ga” nếu không để ý. Ánh nắng cuối chiều như thôi thúc người lái tiến về phía trước để đuổi kịp hoàng hôn.
Bão vừa qua nên các hoạt động tại Mũi Né không còn nhiều. Khách du lịch ít, các hàng quán đóng cửa. Chỉ còn những tiếng sóng biển vỗ vào bờ, Triton và chúng tôi.
Mũi Né yên tĩnh bao nhiêu thì Sài Gòn lại nhộn nhịp và ồn ào bấy nhiêu. Từng dòng người hối hả đổ về từ các ngả đường giờ tan tầm. Cầm lái một chiếc bán tải trong phố đông thực sự khiến tài xế vã mồ hôi.
Vậy nhưng dường như Triton được thiết kế để có thể thích nghi phần nào với phố thị. Kích thước xe khá gọn gàng, bán kính quay đầu nhỏ, Triton có thể len lỏi giữa lúc tắc đường nhưng tất nhiên tài xế cần kiên nhẫn và xử lý khéo léo một chút.
Từ Sài Gòn đi sâu về phía miền Tây, đến với An Giang, một “chân trời” mới tiếp tục mở ra. Những cánh đồng khổng lồ vàng óng ả mà không thể bắt gặp được ở bất cứ nơi nào khác. Những con đường cắt ngang cánh đồng cứ kéo dài tít tắp hàng chục cây số.
Chợ nổi là đặc trưng của nơi đây. Muốn trải nghiệm chợ nổi, ô tô phải đỗ phía ngoài. Khu chợ này chỉ dành cho thuyền, bè, đặt nổi trên sông nước.
Chúng tôi chọn cách đi phà thay vì đi cầu qua sông Hậu để được trải nghiệm cảm giác cùng Triton lênh đênh giữa dòng sông. Mặc dù đã có cầu nhưng phà ở đây hoạt động rất tấp nập, lúc nào cũng kín chỗ và nhiều đoàn xe phải xếp hàng chờ đến lượt.
Rời An Giang, chúng tôi đi tiếp đến Cần Thơ và điểm đến cuối cùng là Cà Mau. Cà Mau không chỉ nổi tiếng với cột mốc đánh dấu điểm cuối của Tổ quốc mà còn có khu rừng tràm U Minh và rừng ngập mặn Năm Căn khổng lồ.
Sau hơn 3.500 km từ Hà Nội, chúng tôi và chiếc Mitsubishi Triton đã chinh phục được đất mũi Cà Mau – đích đến cuối cùng trong chuyến hành trình. Hy vọng đây sẽ là một số lưu ý để bạn có thể chọn cho mình phương tiện, lộ trình phù hợp trong hành trình xuyên Việt sắp tới.