Hệ thống cảnh báo người qua đường trên xe hơi tệ hơn quảng cáo
Theo ô tô 360, Hiệp hội xe hơi Hoa Kỳ AAA (American Automobile Association) nhận xét công nghệ , hệ thống cảnh báo người qua đường không thực sự hiệu quả như các hãng xe quảng cáo. Hệ thống cảnh báo được thử nghiệm trong một số điều kiện lý tưởng nhất định nên khi ra điều kiện đường xá thực tế thì gặp nhiều hạn chế để có thể phát huy hiệu quả.
AAA đã sử dụng xe Chevrolet Malibu 2019 có trang bị tính năng phanh tự động khi xác định có người đứng phía trước; Honda Accord 2019 có công nghệ Honda Sensing; Tesla Model 3 2019 có tính năng phanh tự động khẩn cấp và Toyota Camry 2019 được trang bị công nghệ Toyota Safety Sense. Hiệp hội chọn 4 mẫu sedan này để thử nghiệm dựa vào mức độ phổ biến trên thị trường của xe.
Kết quả thử nghiệm cho thấy khả năng cảm biến người qua đường xuất hiện trước đầu xe của các mẫu xe này khi trời dần về tối không thể bằng người lái. AAA đã ghi nhận rằng các tính năng công nghệ cảm biến nêu trên đều kém hiệu quả khi trời tối.
Trong khi đó, có đến 75% các vụ va chạm với người đi bộ ở Mỹ xảy ra khi trời tối. Hiệp hội AAA mong muốn các hãng xe nên thành thật nhắc nhở khách hàng của mình khi mua xe có tính năng này.
Công nghệ tự động nhận diện người đi bộ phía trước xe sẽ làm việc hiệu quả ở điều kiện lý tưởng và người qua đường di chuyển với vận tốc dưới 32 km/h, trong ánh sáng ban ngày. Khi tiến hành thử nghiệm, khả năng xe tránh được hình nộm thành công chỉ chiếm 40%; tốc độ xe chạy giảm khoảng đi 7 km/h thì tỷ lệ tránh tăng thêm 35%.
Nói như vậy, nghĩa là nếu xe thử nghiệm chạy ở tốc độ mà kịch bản thử nghiệm đề ra thì nguy cơ xảy ra va chạm với người qua đường vẫn chiếm 60% – con số này vẫn là quá cao.
Hệ thống tự động nhận diện người qua đường còn bị hạn chế hiệu quả hơn khi kích thước hình nộm thu nhỏ lại, tức là với đối tượng trẻ nhỏ; hoặc khi xe chạy ở tốc độ cao. Trong thử nghiệm với hình nộm trẻ em di chuyển ở tốc độ 32 km/h thì hiệu quả tránh va chạm chỉ đạt 11%; khi xe giảm tốc độ đo ban đầu đi 10 km/h thì hiệu quả tránh đạt 25%.
Hầu như không xe nào tham gia thử nghiệm có thể tránh thành công người qua đường di chuyển ở tốc độ 24 km/h khi vào khúc cua. Khi trẻ em đột ngột lao ra từ góc khuất giữa 2 chiếc xe khác với tốc độ 32 km/h thì nguy cơ xảy ra va chạm chiếm 89%. Không có lần thử nghiệm nào xe tránh thành công trẻ em di chuyển với tốc độ 48 km/h.
AAA cảnh báo người lái xe nên duy trì mức độ cảnh giác và khả năng quan sát đường đi mọi lúc, không nên quá ỷ lại vào hệ thống điện tử để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra va chạm, đặc biệt là vào buổi tối. Ngoài ra, AAA còn khuyến cáo các hãng sản xuất xe nên giải thích rõ ràng cho khách hàng về hiệu quả và điều kiện để công nghệ cảnh báo va chạm có thể hoạt động tốt nhất.
Đặc biệt, người qua đường đi xe đạp hoặc đi bộ được đề nghị nên chú ý khi di chuyển trên đường, quan sát tình hình xung quanh. Khi di chuyển vào buổi tối nên chú ý mặc các trang phục sáng màu, bắt sáng, hạn chế đồ tối màu để người lái xe ô tô và công nghệ nhận diện có thể dễ dàng phát hiện ra.