Sẽ không sai khi nhận định rằng: Trong một cuộc chiến thì những yếu tố quyết định đến chiến thắng không chỉ nằm tại cơ quan đầu não hay trên các chiến trường. Bất kỳ một cuộc chiến nào cũng chứa đựng trong nó những trận chiến của các nhà khoa học, các kỹ sư; và là cuộc chiến thầm lặng giữa các phòng thiết kế trang bị khí tài của các phe tham chiến. Đại chiến thế giới lần thứ 2 là minh chứng cho vai trò quan trọng có tính quyết định của các phương tiện cơ giới, mà một đại diện trong số đó chính là những chiếc ô tô.
Nếu ví sức mạnh quân sự của Đức và Liên Xô là một cơ thể thì lực lượng ô tô dân dụng và xe tải hạng nhẹ chính là phần xương sống. Tùy từng giai đoạn mà lực lượng này được duy trì ở các mức độ khác nhau để phù hợp với nhu cầu của quân đội, thế nhưng có một sự thật không thể chối cãi là: ngành công nghiệp ô tô của Đức mạnh mẽ và vượt trội hoàn toàn so với Liên Xô.
Phe Đức
Đến đầu những năm 1940, lực lượng cơ giới của Wehrmacht (tên thống nhất của các lực lượng vũ trang quân đội Đức Quốc xã từ năm 1935 đến năm 1945) đã có tới gần một trăm mẫu xe các loại từ ô tô hạng nhẹ, xe tải cho đến xe chuyên dụng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta xem xét đến một mặt khác của các cuộc chiến tranh: bất cứ công ty công nghiệp nào cũng sẽ đều cố gắng hết sức để có được những đơn đặt hàng quân sự béo bở.
Thế nhưng, số lượng áp đảo chưa chắc đã là một lợi thế. Các trận đánh ở mặt trận phía Đông đã nhanh chóng khiến cho giới lãnh đạo của phát xít Đức thấy rằng cần phải cắt giảm bớt lực lượng cơ giới, bởi không phải tất cả các phương tiện cơ giới Đức đều có thể “đối phó” được với những con đường lầy lội và sương giá của nước Nga (Liên Xô).
Ngoài ra, việc duy tu bảo dưỡng và sửa chữa lực lượng xe cơ giới đa dạng về chủng loại sẽ là một gánh nặng; hơn nữa, cuộc chiến này đã bị kéo dài ngoài dự kiến của phát xít Đức. Nó không kết thúc chỉ sau ba tháng hay thậm chí là sáu tháng theo như người Đức đã tuyên bố một cách đầy tự tin lúc mới khơi mào.
Phe Liên Xô
Trong khi đó, ở Liên Xô chỉ có ba nhà máy sản xuất ô tô với khoảng 15 mẫu xe cùng các biến thể. Vì vậy, xương sống của lực lượng cơ giới Liên Xô chủ yếu là những chiếc xe “thương mại” – mặc dù ở Liên Xô thời điểm đó thuật ngữ này không được áp dụng cho xe tải.
Mẫu xe có số lượng lớn nhất lúc bấy giờ ở Liên Xô là xe tải tấn rưỡi “polutorka” – GAZ-MM, còn cho đến năm 1938 là mẫu GAZ-AA. Mẫu xe tải có tải trọng 1,5 tấn này có cấu tạo đơn giản, và thực chất là một mẫu xe Ford đời cuối những năm 1920 đã được hiện đại hóa.
Mặc dù động cơ của nó chỉ đạt 50 mã lực nhưng ưu điểm quan trọng của chiếc xe khiến cho các bác tài vô cùng thích thú chính là ở thiết kế đơn giản. Nhờ vậy mà ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất thì chiếc xe cũng có thể được sửa chữa và nhanh chóng đưa vào trạng thái hoạt động.
Phe Đức
Trong khi đó, vào đầu những năm 1940, loại xe tải một tấn rưỡi chỉ được sản xuất với số lượng khiêm tốn ở Đức. Chiếm đa số trong lực lượng cơ giới thương mại và quân sự của phát xít Đức là những mẫu xe có tải trọng từ 2,5 đến 3 tấn.
Lấy ví dụ, một trong những mẫu xe có số lượng lớn nhất (mặc dù không quá nổi tiếng) là Ford G-series với động cơ V8 3,6 lít sản sinh công suất 90 mã lực. Vào năm 1939 mẫu xe này đã được sửa đổi đặc biệt để dùng cho nhu cầu quân sự và tiếp tục được sản xuất cho đến tận năm 1945.
Nhưng mẫu xe phổ biến nhất là Opel Blitz lừng danh (dịch từ tiếng Đức blitz – “tia chớp”). Nó có thiết kế đủ đơn giản, mạnh mẽ, bền bỉ và đáng tin cậy. Opel Blitz được trang bị động cơ 6 xi lanh dung tích 3,6 lít và cho sức mạnh 75 mã lực. Trước chiến tranh, loại động cơ xupap trên này (tiếng Anh: Overhead valve engine) đã từng được sử dụng cho mẫu xe hơi sang chảnh Opel Admiral.
Những chiếc xe vận tải “tia chớp” được sản xuất hàng loạt tại một nhà máy đặc biệt của hãng Opel ở Brandenburg, trong khi một mẫu xe tương tự có tên là Mercedes-Benz 701 thì do Daimler-Benz sản xuất.
Sau trận đánh bom tàn khốc của quân Đồng minh vào nhà máy Brandenburg vào tháng 8 năm 1944 thì chỉ còn duy nhất nhà máy của Daimler-Benz tồn tại được và tiếp tục cho ra đời những chiếc xe tải Mercedes-Benz 701. Hơn nữa, vào thời điểm này, nước Đức đang gặp khó khăn trên nhiều phương diện nên những chiếc xe xuất xưởng cũng chỉ được trang bị cabin (đã được đơn giản hóa) bằng gỗ.
Phe Liên Xô
Trên những chiếc xe Liên Xô thì loại cabin tương tự như vậy đã bắt đầu được lắp đặt từ ngay sau khi chiến tranh nổ ra. Mẫu xe tải GAZ-MM tấn rưỡi được sản xuất với trang bị “giản tiện” hết mức có thể: chắn bùn bị cắt giảm, cabin không có cửa và chỉ có một đèn pha. Kiểu cabin bằng gỗ này cũng được lắp đặt trên những chiếc xe “ba tấn” ZIS-5 thời chiến.
ZIS là mẫu xe tải 3 tấn chủ lực (hay nói đúng hơn là mẫu xe duy nhất) của Liên Xô. Nhưng “đường dài mới biết ngựa hay” – trong khi đến cuối chiến tranh ở Đức chỉ còn lại một nhà máy sản xuất mẫu Mercedes-Benz 701 thì tại Liên Xô lại có những 3 nhà máy cùng chế tạo mẫu xe với động cơ 73 mã lực này: đó là Moscow ZIS đặt tại Moscow, Ulyanovsk UlZIS ở thành phố Ulyanovsk và ở UralZIS thành phố Miass. Đây cũng là nơi nhà máy ô tô ở Moscow đã được sơ tán đến vào năm 1941.
Ở thời kỳ đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, phần lớn những chiếc xe hơi dành cho sĩ quan Liên Xô cũng chính là những mẫu xe dân dụng rất bình thường. Ngoài ra thì có một lượng nhỏ xe “sĩ quan” GAZ-M1 Emka được sản xuất cho đến tận năm 1943. Đây là mẫu xe lớn nhất và cũng là duy nhất trong phân khúc này.
(còn nữa)