Việt Nam sắp bước vào giai đoạn “ô tô hóa”.
Chạy đua làm ô tô, chờ hệ sinh thái mới
Sau thất bại làm ô tô “made in Vietnam” của ông Bùi Ngọc Huyên Vinaxuki, nhiều người nghĩ sẽ không có đại gia nào dám đổ tiền vào lĩnh vực này. Nhưng, sự ra đời của Vinfast với những chiếc xe “made in Vietnam” chạy đầy đường đã nhen nhóm lên hy vọng cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.
Suốt nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã vạch ra nhiều chiến lược để phát triển ngành này. Nhưng về cơ bản, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn. Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cũng bắt tay xây dựng một kế hoạch mới cho ngành ô tô Việt Nam “hậu Covid-19”.
Tại Đề án giải pháp đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19 đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đối với ngành sản xuất ô tô, Bộ KH-ĐT cũng đưa ra một loạt giải pháp cho ngành công nghiệp ô tô thời gian tới.
Phần thực trạng, nội dung Đề án này của Bộ KH-ĐT không khác nhiều so với những đánh giá đã được Bộ Công Thương liên tục đưa ra những năm qua. Đó là ngành sản xuất ô tô mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra; giá nhiều loại ô tô đắt gấp đôi các nước,…
Tại Việt Nam, xu thế “ô tô hóa” dự báo sẽ được đẩy mạnh khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe.
Quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/3 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia. Trong khi ngành công nghiệp ô tô phát triển dựa vào lợi thế kinh tên trên quy mô. GDP bình quân đầu người vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các thành phần chính của hệ sinh thái ô tô bao gồm sản lượng sản xuất ô tô trong nước đạt tối thiểu 1 triệu xe/năm; quy mô thị trường trong nước (số lượng xe mới) tối thiểu 900 nghìn xe/năm hoặc 50 xe/1000 dân; có tối thiểu 1.000 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng xe hơi; hệ thống đường cao tốc tối thiểu đạt 0,045km/1000 dân. |
Khu vực ASEAN đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất và tiêu thụ ô tô lớn trên thế giới, với 5 quốc gia sản xuất lắp ráp ô tô là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Các nước ASEAN 4 đã có trên 30-40 năm phát triển, đặc biệt từ giữa những năm 1980 khi làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản vào khu vực này tăng mạnh. Trong khi đó công nghiệp ô tô của Việt Nam mới chỉ thực sự phát triển trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây.
Indonesia và Thái Lan đang là điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới. Trong bối cảnh các dòng đầu tư dịch chuyển sau Covid-19, hai quốc gia trên sẽ là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam khi thu hút các đại gia ô tô cũng như các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đó là chưa kể các nước đi sau như Myanmar, Lào, Campuchia cũng sẽ có những động thái để gia nhập lĩnh vực này khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Cơ hội cuối cùng
Giải pháp phát triển hệ sinh thái sản xuất ô tô được Bộ KH-ĐT vạch ra, trước hết là quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Bỏ qua cơ hội cuối cùng này, Việt Nam sẽ chỉ là thị trường nhập ô tô
Ngoài ra, theo cơ quan này, cần có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại; xem xét khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến, ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập khẩu song song nhằm bảo vệ hợp lý thị trường, thương hiệu ô tô cũng như lợi ích dài hạn của người tiêu dùng.
Giải pháp duy trì và đẩy mạnh sản xuất ô tô lắp ráp trong nước, Bộ KH-ĐT muốn tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có sản lượng sản xuất lớn tại Việt Nam. Thu hút đầu tư và tập trung các chính sách ưu đãi, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động.
Đáng chú ý, Bộ này nhắc lại giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra từ lâu song chưa được thực hiện. Đó là hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước).
Giải pháp này có thể gây quan ngại về các cam kết quốc tế, mặc dù các nước ASEAN đang áp dụng. Tuy nhiên, đây là biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước và khuyến khích các hang xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Theo Bộ KH-ĐT, gần đây, dường như nắm bắt được xu thế tất yếu của ô tô hóa đối với nền kinh tế Việt Nam, một số nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm tới sự phát triển của công nghiệp ô tô Việt Nam và đang chờ tín hiệu từ các cơ quan quản lý. Bối cảnh đó cho thấy, đây là cơ hội cuối cùng để nếu chúng ta quyết tâm thì sẽ phát triển được ngành công nghiệp ô tô.
“Bỏ lỡ cơ hội này, tương lai Việt Nam sẽ trở thành thị trường nhập khẩu ô tô”, Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet