Ngành công nghiệp hàng không đang đối mặt với khủng hoảng chưa từng có tiền lệ bởi COVID-19 khiến nhiều tuyến bay quốc tế bị hoãn vô thời hạn.
Khi hàng không “truyền thống” đóng băng, một số ý tưởng điên rồ lại nảy sinh đó là đưa hàng không vượt tốc độ siêu âm trở lại.
Trên thực tế, trong quá khứ vào giai đoạn 1963 – 2003 đã có một hãng hàng không sử dụng công nghệ siêu âm là Concorde, tuy nhiên máy bay sử dụng công nghệ này yêu cầu chi phí vận hành cực đắt đỏ (tỉ lệ thuận với giá vé cũng chát không kém) và lượng khí thải ra ngoài môi trường cũng ở mức giới chuyên gia phải gọi là thảm họa.
Tuy nhiên, startup có tên Boom Supersonic đã thành công trong việc phát triển một dòng máy bay đạt tốc độ siêu âm là XB1 vào tháng 10 năm ngoái và dự tính đưa vào sử dụng cho một mô hình bay mà dùng cụm từ “tham vọng nhất thế giới” là chưa đủ.
“Bất kỳ đâu trên thế giới trong 4 tiếng đồng hồ chỉ mất 100 USD” là mục tiêu được Boom Supersonic đặt ra khi đưa hãng hàng không riêng của họ vào vận hành vào năm 2026.
Phiên bản hoàn thiện của XB1 tới từ Boom Supersonic có khả năng đạt tốc độ tối đa Mach 2.2 (gấp 2,2 lần tốc độ âm thanh hay 2.716,5 km/h), vậy nên hứa hẹn của startup này là có cơ sở.
Thiết kế thuôn dài như mũi tên của XB1 cho phép máy bay này đạt tốc độ Mach 2.2 tối đa.
“Hoặc chúng tôi thất bại, hoặc chúng tôi sẽ thay đổi cả thế giới”, nhà sáng lập kiêm CEO Boom Supersonic Blake Schole khẳng định. Theo nhà lãnh đạo này, hàng không quốc tế từ thập niên 1950 nay chưa có bước đột phá nào về tốc độ thật sự đáng kể và họ muốn xô đổ tình trạng đáng buồn đó với thương hiệu bay riêng có tên Overture.
Thời điểm COVID-19 làm tê liệt hàng không toàn cầu này cũng là thời điểm thích hợp nhất cho các dòng máy bay quy mô nhỏ, tốc độ nhanh thế chỗ máy bay cỡ lớn như Boeing 777 hay Airbus A380. Ngay cả khi thất bại, Boom Supersonic cũng có khả năng thúc đẩy ngành hàng không trên toàn cầu bước sang một chương mới tiện lợi, nhanh chóng và thực tiễn hơn nữa.
Được thiết kế để chở tối đa 88 và tối thiểu 65 hành khách ngồi cùng lúc, Overture hứa hẹn mang tới 500 đường bay xuyên đại dương trên toàn cầu tận dụng tối đa tốc độ Mach 2.2 khủng khiếp của XB1 (gấp đôi máy bay thường hiện tại) để giảm thời gian chờ đợi của người dùng xuống thấp nhất có thể.
Một chuyến bay từ New York với London ước tính chỉ mất 3 giờ 15 phút, từ LA tới Sydney cũng chỉ còn 8,5 giờ (hiện là hơn 15 giờ). Rút ngắn thời gian di chuyển, theo Scholl, sẽ thay đổi mọi dự định du lịch, lịch trình công tác và thậm chí là cải thiện đời sống tình cảm cá nhân của người dùng dịch vụ.
Trước kia, Concorde tính phí người dùng 12.000 USD cho vé khứ hồi máy bay siêu tốc (20.000 USD nếu tính theo thời giá hiện tại). Scholl khẳng định con số này là quá lớn và mục tiêu của họ là thu gọn số tiền người dùng phải bỏ ra còn 100 USD. Công nghệ được Boom Supersonic nghiên cứu phát triển là hút khí carbon từ khí quyển, hóa lỏng chúng và sau đó dùng làm nhiên liệu thay thế cho máy bay, nhờ thế cắt giảm được đặc biệt nhiều chi phí vận hành.
Ý tưởng này được các chuyên gia hàng không, chẳng hạn giáo sư Sean O’Keefe, khẳng định là “có thể” nhưng khó lòng xuất hiện trong khoảng 20, 30 năm tới chứ chưa nói là trong chỉ 5 năm như Scholl kỳ vọng.
Tham khảo: CNN