Những chiếc Land Rover Defender đầu tiên xuất xưởng vào năm 1983 nhưng cái tên Defender đến cuối năm 1990 mới bắt đầu được áp dụng để phân biệt với mẫu xe Discovery ra đời vào năm 1989. Khá ngạc nhiên là thiết kế vuông vức cổ điển kiểu “hộp diêm” của Defender lại được bảo tồn nguyên vẹn từ năm 1983 đến 2016, khi mà mẫu xe này được tuyên bố khai tử. Trong suốt 23 năm, Defender duy trì đúng một thế hệ (mã L316). Lý do mà Land Rover Defender “chết” khi đó phần lớn do xe không có sự đột phá, doanh số bán hàng lao dốc, không thể chạy đua được với đối thủ Mercedes-Benz G-Class.
Năm 2019, Land Rover Defender bất ngờ quay trở lại với thế hệ mới (mã L663), mang diện mạo hoàn toàn khác biệt: trẻ trung, hiện đại hơn và thoạt nhìn dường như thấy không có mối liên kết nào với mẫu xe trước đó. Hệ thống khung gầm rời đã được đổi sang loại liền khối. Động cơ mới ứng dụng nhiều công nghệ hơn, với sự kết hợp của động cơ điện. Hộp số chỉ còn loại tự động, không có số sàn, mà theo kỹ sư trưởng của Land Rover thì số sàn là không cần thiết. Defender đã mở lối đi riêng, tách khỏi hình ảnh “hộp diêm” mà G-Class vẫn đang theo đuổi.
Ở thế hệ mới, Defender có 2 kích thước với tên gọi là Defender 90 và Defender 110. Trước đây, 90 và 110 thể hiện kích thước trục cơ sở của xe là 93 inch (2.362 mm) và 110 inch (2.800 mm). Hiện nay, con số này mang tính chất tượng trưng khi trục cơ sở của thế hệ mới đã nới lên 101,9 inch (2.587 mm) và 119 inch (3.022 mm). Chiếc xe được thử nghiệm là Defender 110 với cấu hình 5 cửa.
Ngoại thất
Với kiểu dáng khối hộp, Defender khi lên ảnh trông khá nhỏ nhưng trên thực tế lại có kích thước tương đối lớn. Xe có chiều dài tổng thể 5.018 mm (tức ngang với các mẫu bán tải hiện nay) và cao 1.947 mm. Khoảng sáng gầm xe lên cao nhất 291 mm ở chế độ nâng gầm. Với kích thước này, hãy cẩn thận chọn đường đi vì chiều cao xe vượt 2m sẽ không thể “lọt” những con phố có giới hạn chiều cao. Khối lượng không tải của xe là 2.380 kg – xấp xỉ Range Rover Vogue và nhẹ hơn một chút so với Range Rover Autobiography. Thiết kế mới khiến gầm xe trông thấp hơn nhưng thực tế, các góc tới 38 độ, góc thoát 40 độ và góc vượt đỉnh dốc 31 độ là những con số lý tưởng cho off-road.
Thiết kế tổng thể Defender 2020 không có chút kế thừa nào từ thế hệ cũ. Chiếc xe vẫn vuông vức nhưng sự kết hợp của các chi tiết hiện đại khiến diện mạo xe cũng thay đổi hoàn toàn. Các góc xe được bo tròn nhiều hơn. Cụm đèn chiếu sáng chính vuông vức thay cho loại tròn cổ điển nhưng vẫn được tạo hình giao diện LED định vị tròn bên trong. Đèn hậu là những khối LED rời lấy cảm hứng từ mẫu đèn truyền thống. Kính lái dốc hơn. Kính hông không còn lớn như trước.
Song, độ thực dụng ở từng tiểu tiết vẫn còn đó. Nắp ca-pô có 2 khu vực chống trượt và chống nóng. Vị trí này cũng cho phép chủ nhân đứng lên nắp capo mà không sợ ngã hay xước xe nếu muốn ngắm cảnh. Hông xe có khu vực gắn hộp đồ rời. Bánh dự phòng đặt ở bên ngoài xe.
Hộp để đồ bên ngoài (dưới dạng tùy chọn) là trang bị khá hữu ích kế thừa từ thế hệ trước của Defender. Hộp này có thể được sử dụng để chứa đồ bẩn, ví dụ như giày dép và quần áo lấm bùn sau chuyến đi, không gây bẩn nội thất xe. Trọng tải của bộ phận này khoảng 10kg.
Nhược điểm của hộp đồ là làm hạn chế góc nhìn phía sau. Đây cũng không phải điểm trừ đáng lưu tâm khi Defender không phải xe chuyên đi phố.
Nội thất
Nội thất Defender mới khác hoàn toàn so với các mẫu xe Land Rover còn lại. Các chi tiết khô cứng, thể hiện tính quân sự. Vô-lăng 4 chấu khá cổ điển. Màu sơn đều là màu sần chứ không có nhựa bóng. Cách phối màu nội thất cũng tạo vẻ bụi bặm phong trần cho chiếc xe off-road hạng sang.
Kéo lại nét hiện đại là 2 màn hình lớn, bao gồm đồng hồ kỹ thuật số 12,3 inch với nhiều tùy biến và màn hình cảm ứng trung tâm 10 inch. Cả 2 màn hình này đều có độ phân giải cao, độ phản hồi nhanh khi thao tác và giao diện thân thiện, dễ sử dụng ngay từ lần đầu làm quen.
Vật liệu nhựa cứng và sần khắp mọi nơi khiến Defender không sang như các xe Land Rover khác và so với mức giá hàng tỷ đồng của chiếc xe. Tuy nhiên, nó lại mang về vẻ phong trần với chiếc xe kế thừa tính offroad. Với một mẫu xe có tính quân sự như thế này, điều này cũng không phải vấn đề lớn.
Nội thất nhựa sáng màu là nỗi ám ảnh khi vệ sinh. Trên Defender, điều đó không đáng lo khi nhựa trên xe rất dễ lau chùi. Vết đất bẩn bám trên mặt nhựa ghi sáng có thể lau sạch bằng khăn ẩm một cách dễ dàng và không để lại vết ố.
Điều gây “nhức mắt” lại nằm ở các chi tiết nhựa và cao su đen. Khay đựng cốc dễ xước khi bỏ nhiều đồ vào, nhất là chìa khóa hay những vật nhỏ và cứng. Sau một thời gian sử dụng, chi tiết này đã xuất hiện nhiều vết xước gây mất thẩm mỹ.
Được thiết kế theo kiểu xếp hình các khối lại với nhau, nội thất Defender mới khá rộng khi so với các xe có kích thước tương đương. Hàng ghế sau có thể trượt và ngả thoải mái. Ghế da sần kết hợp vải dệt Robust có độ bền bỉ cao, hạn chế rách mòn ở đúng các vị trí mà Land Rover cho biết họ đã nghiên cứu và khảo sát từ nhiều năm qua. Ghế ngồi khá thoáng và êm ái. Điểm yếu của loại vải này là dễ ố nếu bị bám bẩn, cần được vệ sinh thường xuyên nhưng điểm cộng là có thể chống nước ở mức độ vừa phải.
Khoang cabin Defender có rất nhiều vị trí để cầm nắm được. Đơn cử như vị trí ghế phụ có tới 6 nơi nắm tay được. Hàng ghế sau có 3 chỗ nắm. Những vị trí này khá chắc chắn bởi được thiết kế để chịu va đập.
Các ốc lục giác được để trần trụi, một phần để tạo phong cách cho Defender, phần còn lại là để dễ tháo lắp. Bệ trung tâm này có thể tháo rời để thay bằng một chỗ ngồi nhỏ (biến hàng trước thành 3 ghế ngồi). Xung quanh ốp cánh cửa cũng được cố định bằng ốc lục giác.
Thể tích khoang hành lý Defender là 1.075 lít khi để 5 chỗ và còn 916 lít khi dựng hàng ghế cuối lên. Ở bề mặt cốp xe và lưng ghế đều được ốp những miếng nhựa với vân chống trượt. Họa tiết này có thể thấy ở miếng nhựa chống trượt trên nắp ca-pô. Bởi vậy, hành lý để ở cốp xe sẽ ít bị dịch chuyển khi xe đang đi.
Hãng xe Anh quốc khá tinh tế khi làm hẳn 3 tấm chắn nắng phía trước xe. Thông thường, các xe chỉ có 2 tấm chắn nắng cho 2 vị trí ghế ngồi trước. Chiếc Defender có thể lắp 3 ghế phía trước.
Phía sau bảng điều khiển trung tâm là nhiều không gian để đồ. Phía sau màn hình có thể để được nhiều chiếc điện thoại cùng lúc, thậm chí vừa cả một chiếc bàn phím khi ướm thử vào. Ở những khoảng trống này, Land Rover thiết kế bề mặt nhựa nhám để đồ vật hạn chế bị xê dịch khi xe đang di chuyển. Hàng ghế trước cũng có nhiều khoảng trống khác để chứa đồ, như khu vực bệ trung tâm và 2 bên cánh cửa.
Cổng USB và cổng sạc có thể tìm thấy ở nhiều vị trí trong xe. Mẫu xe này có đa dạng đầu cắm gồm USB Type A, USB Type C 5V và cổng cắm 12V.
Giao diện màn hình cảm ứng trung tâm dễ sử dụng. Defender là mẫu xe Land Rover đầu tiên Việt Nam có màn hình Pivi Pro mới này. Màn hình này bố trí khoa học với 2 dãy chức năng ở 2 cạnh màn hình, giúp dễ dàng thao tác các chức năng khác dù có đang ở giao diện Media hay Apple CarPlay. Màn hình 10 inch có độ phân giải cao, độ sáng tốt, dù là mặt kính bóng nhưng ở ngoài trời nắng vẫn dễ nhìn.
Toàn bộ loa trên xe được bảo vệ bằng màng kim loại và lớp mút dày bên trong để tránh bụi và hạn chế nước. Trên lý thuyết, hệ thống màng bảo vệ dày như vậy sẽ làm giảm phần nào chất lượng âm thanh. Trải nghiệm thực tế cho thấy âm thanh từ hệ thống Meridian trên Defender có độ chi tiết chưa xuất sắc như loại trên các dòng Range Rover và ở mức khá để nghe.
Vận hành
Chiếc xe thử nghiệm được trang bị động cơ xăng I4 dung tích 2 lít tăng áp, công suất tối đa 296 mã lực và mô-men xoắn 400 Nm, kết hợp số tự động ZF 8 cấp và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD. Mặc dù đây là tùy chọn động cơ xăng thấp nhất, chưa tích hợp công nghệ lai điện như máy I6 dung tích 3 lít, nhưng độ phản hồi của cỗ máy này khá tốt so với khối lượng tổng thể khi đó hơn 2,5 tấn. Độ trễ turbo thấp. Hộp số 8 cấp sang số mượt. Defender khi on-road là một chiếc xe mang đến trải nghiệm êm ái.
Hệ thống treo khí nén điện tử cũng được tinh chỉnh hướng đến sự êm ái. Giảm xóc vừa đủ mềm và không bồng bềnh. Thân xe “nuốt” ngọt các đoạn mố cầu và ổ gà trên đường. Chiếc xe với khoảng sáng gầm 218 mm vẫn đem lại sự dễ chịu khi di chuyển đường dài với tốc độ cao. Với hệ thống treo này, Defender còn có thể nâng gầm lên 75 mm hoặc hạ xuống 40 mm.
Dù có xuống thấp hết cỡ thì tầm nhìn của Defender vẫn có hạn chế khi đi phố đông. Đầu xe cao, trong khi phần gồ chính giữa của nắp ca-pô lớn, cộng thêm cột A dày, khiến khó quan sát hơn khi đỗ cạnh người đi xe máy và xe đạp. Thiết kế đầu xe như vậy làm khó căn xe hơn so với Range Rover Autobiography cũng có phần đầu dài. Dẫu vậy, đây không phải mẫu xe sinh ra để đi phố.
Vô-lăng trợ lực điện của Defender rất nhẹ, có thể dễ dàng đánh lái bằng 2 ngón tay, nhưng cho độ phản hồi tốt. Chiếc xe gầm cao vẫn khá lanh khi chuyển làn hoặc vào cua. Vô-lăng nhẹ giúp đánh lái dễ dàng ở những khu vực địa hình khó.
Điểm mạnh của Defender vẫn là chinh phục địa hình khó. Hộp số tự động 8 cấp kết hợp hộp số phụ 2 cấp với dãy số thấp khiến Defender dễ dàng vận hành trên các bề mặt đường gồ ghề ở tốc độ chậm. Hệ dẫn động 4 bánh trên Defender được điều khiển thông minh, phân bổ mô-men xoắn giữa các trục linh động tùy điều kiện vận hành. Hệ thống Terrain Response 2 đặc trưng của Land Rover giúp việc off-road trở nên nhàn hơn bao giờ hết với các chế độ thích nghi tự động với nhiều điều kiện địa hình. Người lái cũng có thể tự thiết lập hệ thống truyền lực, kiểm soát lực kéo và khóa vi sai phù hợp nhất.
Hệ thống Terrain Response còn có chế độ lội nước. Theo công bố của hãng, Defender có thể lội được nước sâu đến 900 mm. Thực tế sử dụng, chế độ lội nước này gần như hỗ trợ tài xế “tận răng” khi kết hợp camera toàn cảnh 3D với hệ thống cảnh báo ngập để hiển thị chi tiết trực quan trên màn hình xe.
Không chỉ có 4 camera xung quanh xe, Defender mới còn có một trang bị khá thú vị là camera gắn trên nóc, cho hiển thị ngay trên gương chiếu hậu, hỗ trợ tầm nhìn phía sau khi có hành khách ngồi ở ghế sau chắn một phần kính hậu, gọi là ClearSight. Chuyển đổi dễ dàng giữa gương và chế độ màn hình bằng một lẫy gạt. Màn hình có thể chỉnh được sáng/tối, chỉnh được lên/xuống camera.
Camera cho chất lượng hình ảnh rõ nét ở mọi môi trường, điều kiện sáng/tối khác nhau. Mặc dù vậy, hình ảnh không tránh khỏi bị lóa khi có xe phía sau bật đèn chiếu xa. Di chuyển trong phố sẽ cần đổi gương sang chế độ thường để có chống chói tự động. Màn hình tích hợp trên gương chiếu hậu cũng có độ phân giải cao.
Về công nghệ an toàn hiện đại, Defender có hệ thống cảnh báo điểm mù và hỗ trợ phanh tự động khẩn cấp. Cái hay của hệ thống cảnh báo điểm mù trên mẫu xe này là tích hợp chức năng báo phương tiện tiến tới khi mở cửa. Đèn báo đặt ở vị trí đúng góc nhìn vào tay nắm cửa, sẽ báo đèn trắng là mở cửa, và đèn vàng cam là có xe phía sau đang tiến tới để hành khách bước ra ngoài an toàn.
Kết luận
Giới nhà giàu ngày nay mua một chiếc xe đa dụng chuyên cho địa hình chưa chắc để sử dụng vào đúng mục đích của nó. Có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc Mercedes-Benz G-Class, đa số là bản hiệu suất cao Mercedes-AMG G 63, lăn bánh trên phố hàng ngày. Và với Land Rover Defender cũng vậy, chủ xe chưa chắc đã mang chiếc xe đi vào những cung đường khắc nghiệt như đồi, núi, sông, suối, sa mạc… Đôi khi, đây chỉ là chiếc xe phục vụ họ trong những chuyến dã ngoại, những chuyến đi du lịch xa.
Defender có nhiều thứ thú vị ngoài khả năng vượt địa hình đơn thuần. Thiết kế ngoại thất cá tính, thiết kế nội thất thông minh, tiện nghi đầy đủ và các công nghệ mới nhất được tích hợp… Những thứ này sẽ giúp việc cầm lái chiếc Defender nhiều cảm xúc hơn.
Chiếc Defender được thử nghiệm là bản SE có giá gần 4,15 tỷ đồng. Thêm một vài tùy chọn nhỏ khác như ngoại thất đen, hàng ghế 2 có trượt với tựa tay, hàng ghế 3 chỉnh tay, điều hòa tự động 3 vùng, lọc không khí, ghế bọc da kết hợp vải… giá xe là 4,275 tỷ đồng. Gói phụ kiện bổ sung bao gồm bệ bước, chắn bùn, ốp bảo vệ bánh xe, ống thở, giá nóc, hộp đựng đồ bên hông và thảm sàn cao su có giá hơn 254 triệu đồng.