Chiều nay, 24/5, Bộ GTVT đã chính thức ký hợp đồng “Về cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước” với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Phạm vi Hợp đồng được ký kết bao gồm số lượng đặt hàng gồm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; Công tác khắc phục hậu quả bão lũ bước 1; Công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất khác.
Thời gian thực hiện hợp đồng từ 00h00 ngày 1/1/2021 đến 24h00 ngày 21/12. Tổng giá trị hợp đồng là 2.821.900.000.000 đồng.
Trong đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dung và theo quy định của pháp luật; đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác.
Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu, sau khi hợp đồng được ký kết, yêu cầu 2 bên (Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) khẩn trương triển khai nhanh những nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm đảm bảo hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn , chính xác; đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng, thu nhập, đời sống của người lao động ngành đường sắt.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc gửi các Bộ GTVT, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc giao thực hiện vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2021.
Liên quan đến việc thực hiện vốn bảo trì đường sắt năm 2021, từ đầu năm đến nay, do vướng mắc các quy định pháp luật và còn cách hiểu khác nhau về các quy định pháp luật này nên Cục Đường sắt Việt Nam – cơ quan được Bộ GTVT giao vốn chưa thể tiến hành ký hợp đồng đặt hàng với 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt.
Việc này khiến doanh nghiệp không được ứng vốn, gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ lương người lao động.
Đặc biệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ cho biết, nếu không được cấp vốn kịp thời thì đường sắt sẽ dẫn đến cảnh buộc phải dừng chạy tàu vì hết tiền.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rơi vào cảnh hết tiền, đe dọa dừng chạy tàu.
Từ khi về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đến nay, do cơ chế đặt hàng để duy tu hạ tầng đường sắt nên vốn không thể rót thẳng về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mà phải qua Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT.
Ngân Tuyền (ANTĐ)