Trong suốt 3 năm qua, một người phụ nữ có tên Jessica Lưu, sống tại thành phố Richmond, Canada, đã theo đuổi vụ kiện xưởng sửa chữa ô tô Burrard Autostrasse. Sự việc bắt đầu khi cô lái chiếc xe sang Aston Martin DB9 màu bạc Skyfall tông trúng một hòn đá lớn vào hồi tháng 12/2015. Cú va chạm mạnh đã khiến chiếc Aston Martin DB9 bị gãy trục trước và ảnh hưởng đến khung gầm.
Được biết, cô Lưu thường xuyên đi lại giữa 2 nước Trung Quốc và Canada để làm ăn, kinh doanh. Cô đã mua chiếc xe này tại đại lý ô tô hạng sang MCL đặt trụ sở ở thành phố Vancouver với giá 200.000 CAD (3,54 tỷ đồng) vào hồi tháng 6/2015 và chỉ khi nào sang Canada mới sử dụng.
Sau vụ tai nạn, cô Lưu đã gọi cho đại lý MCL rồi đại lý này giới thiệu cô đến xưởng sửa chữa ô tô Burrard Autostrasse. Vì cô Lưu chỉ có bảo hiểm cơ bản nên xưởng Burrard Autostrasse đã báo giá sửa chữa chiếc xe sang này với số tiền dao động từ 85.000 – 132.000 CAD (khoảng 1,5 – 2,33 tỷ đồng). Trong đó, tiền sửa sơn là 900 CAD, thay 1 bên đèn pha là 7.000 CAD, thay cặp rô-to phanh là 30.000 CAD (bao gồm cả tiền công) và thay bộ khung phụ hoàn toàn mới là 25.000 CAD (bao gồm tiền công).
Tuy nhiên, cô Lưu chỉ trả số tiền đặt cọc 50.000 CAD (886 triệu đồng) và từ chối thanh toán nốt phần còn lại. “Tôi sẽ không trả một xu nào hết. Tôi còn không muốn nhận lại chiếc xe nữa. Tôi muốn đại lý hoàn tiền mua xe cho mình“, người phụ nữ ngoài 30 tuổi nói với phóng viên Richmond News qua thư điện tử. “Tôi không nghĩ chiếc xe này an toàn. Tôi mới chỉ lái xe được khoảng 2 tuần. Tôi không tin chiếc xe này, không tin cả đại lý và không tin hóa đơn của xưởng sửa ô tô“.
Cô Lưu nghi ngờ xưởng Burrard Autostrasse đã lừa mình vì chỉ có 1 rô-to phanh bị vỡ. Ngoài ra, cô Lưu còn khẳng định có thể mua bộ khung phụ cho chiếc xe của mình với giá chỉ 10.000 CAD ở chỗ khác.
Nói là làm, cô Lưu đã đưa chiếc Aston Martin DB9 của mình đến một xưởng sửa xe ở Richmond – nơi báo giá bộ khung phụ rẻ hơn. Sau đó, cô Lưu mới phát hiện ra rằng chỉ có kỹ thuật viên được hãng Aston Martin thông qua mới được đặt mua bộ khung phụ cho chiếc DB9. Nơi được hãng Aston Martin ủy quyền tại tỉnh British Columbia, Canada, chẳng đâu khác lại chính là xưởng Burrard Autostrasse. Không còn lựa chọn nào khác, cô Lưu đành phải đưa chiếc Aston Martin DB9 quay lại xưởng sửa ô tô ban đầu.
Không hài lòng với hóa đơn sửa chữa, cô Lưu đã kiện xưởng Burrard Autostrasse ra tòa. Trong đơn kiện, cô Lưu khẳng định vì vốn tiếng Anh kém nên đã bị xưởng sửa chữa ô tô lợi dụng. Cô cho rằng đại lý MCL và xưởng Burrard Autostrasse đã vi phạm hợp đồng.
Ngoài ra, trong đơn kiện, cô Lưu còn đòi số tiền bồi thường 300.000 CAD (5,3 tỷ đồng) vì sự việc này khiến cô bị trầm cảm, lo lắng, rối loạn giấc ngủ và có cảm giác hạ thấp lòng tự trọng. Cô Lưu đã tìm đến 4 hãng luật khác nhau trước khi tự đại diện cho mình trước tòa.
Vì cô Lưu không đến lấy xe nên chiếc Aston Martin DB9 đã bị giữ tại xưởng Burrard Autostrasse với số tiền phí 200 CAD/ngày (3,5 triệu/ngày). “Tôi không trả tiền phí trông giữ xe cho chiếc ô tô còn chưa được sửa xong“, cô Lưu nói.
Sau 3 năm, cuối cùng thì tòa án cũng đưa ra phán quyết. Theo đó, tòa không tìm thấy bất kỳ bằng chứng và cơ sở pháp lý nào cho những cáo buộc của cô Lưu. Do đó, tòa án đã yêu cầu cô Lưu thanh toán nốt số tiền sửa xe còn lại và phí gửi xe tại xưởng Burrard Autostrasse, tổng cộng là 330.000 CAD (5,8 tỷ đồng). Số tiền này còn cao hơn cái giá của chiếc Aston Martin DB9 vào thời điểm năm 2015. Ngoài ra, cô Lưu còn phải thanh toán chi phí pháp lý cho xưởng sửa ô tô Burrard Autostrasse.
Lan Quyên