Cụ thể, Aston Martin Works vừa công bố mở bán trở lại Cygnet dưới dạng xe cũ chứng nhận như mới với bảo hành dài hơi. Giá bán cụ thể cũng đồng thời được công bố là nhẹ nhàng… 48.000 USD – con số dư sức mua BMW X3 hay Audi Q5 với dàn trang bị đủ đầy cùng nội thất rộng rãi hơn nhiều lần…
Ưu điểm lớn nhất của Aston Martin Cygnet dạng này so với các mẫu xe đồng giá trên thị trường có lẽ chỉ có duy nhất độ hiếm. Khi xe ra mắt vào đầu thập niên 2010, Liên minh châu Âu EU khi đó mới bắt đầu thắt chặt các quy định khí thải, yêu cầu các hãng xe có mặt tại đây chú trọng hơn tới mảng môi trường thay vì thuần túy chạy đua hiệu suất như trước.
Với một thương hiệu chuyên làm xe siêu sang mà không quan tâm nhiều tới khí thải hay hiệu suất nhiên liệu vào thời điểm đó như Aston Martin, các quy định này cực kỳ khó đáp ứng một sớm một chiều, nhất là khi họ không có nguồn vốn quá dồi dào như các hãng xe sang được chống lưng bởi tập đoàn lớn. Phương án giải quyết khi đó của hãng là… mượn nhờ xe đối tác Toyota, cụ thể là chiếc iQ, và mở bán dưới tên gọi Cygnet.
Tất nhiên, không mấy khách hàng Aston Martin khi đó cảm thấy sức hút từ Cygnet và thương hiệu Anh Quốc nhanh chóng “vỡ mộng” khi doanh số kỳ vọng hàng năm 4.000 xe được chuyển hóa thành… 300 xe trong suốt quãng thời gian mở bán từ 2011 tới 2013 – biến đây trở thành dòng tên thất bại nhất của hãng trong lịch sử.
Cygnet – Thất bại lớn nhất của Aston Martin
Tham khảo: Motor1