Xe gầm cao ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và ưu tiên lựa chọn nhờ ưu điểm về tính đa dụng, khả năng di chuyển linh hoạt và giá bán khá cạnh tranh. Trong bối cảnh SUV gia đình trên 1 tỷ đồng đang dần bão hòa, các hãng xe tại Việt Nam đã chuyển hướng sang mở rộng kinh doanh ở nhóm xe gầm cao tầm giá 600-900 triệu đồng.
Trái ngược với sự tăng trưởng của phân khúc SUV đô thị, loạt xe hạng C đang đối diện với nhiều khó khăn khi doanh số và thị phần suy giảm trong hơn một năm qua.
Kia Cerato không đủ sức vực dậy phân khúc xe hạng C
Trong năm 2020, tổng doanh số của Kia Cerato, Mazda3, Hyundai Elantra, Honda Civic và Toyota Corolla Altis đạt khoảng 31.900 chiếc. So với kết quả hơn 39.600 xe của năm 2019, nhóm xe hạng C có tỷ lệ tăng trưởng âm 19,4%.
Bên cạnh Ford Focus bị dừng kinh doanh từ tháng 8/2019, Mazda3, Elantra, Civic và Corolla Altis có mức suy giảm doanh số trong năm 2020 từ 24% đến 36%. Chỉ duy nhất Cerato có doanh số tăng nhẹ khoảng 6,3%.
Đến hết quý I/2021, tình hình kinh doanh chung của 5 mẫu xe này tiếp tục tuột dốc. Dù toàn thị trường ôtô Việt Nam 3 tháng đầu năm tăng trưởng đến 37,6% so với cùng kỳ năm trước, nhóm xe hạng C có “bước lùi” 15,3% với lượng xe giảm tương ứng là gần 900 chiếc.
Kia Cerato vẫn là cái tên bán tốt nhất và có doanh số tăng nhẹ khoảng 40 chiếc. Một cái tên khác tăng trưởng trong quý I là Honda Civic với 8,7%. Trong khi đó, Mazda3 là dòng xe giảm mạnh nhất, vẫn đứng thứ 2 về mặt doanh số nhưng đại diện của Mazda bán kém hơn cùng kỳ năm trước đến gần 35%.
Song song đó, tỷ trọng của nhóm xe hạng C trên thị trường ôtô du lịch đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trung bình cả năm 2020, trong 100 ôtô được bán ra tại Việt Nam có 9 xe hạng C. Kết thúc quý I, tỷ lệ này hiện là 6,65 chiếc/100 xe du lịch.
Với Toyota, hãng xe Nhật Bản gần như chỉ duy trì Corolla Altis để đủ danh mục sản phẩm. “Cựu vương” của nhóm sedan cỡ vừa chỉ được nâng cấp nhẹ về ngoại hình trong năm 2020. Thế hệ Toyota Corolla Altis mới đang bán tại Thái Lan vẫn chưa rõ thời điểm trình làng khách hàng trong nước.
Mazda3 sau khi ra các bản nâng cấp vào cuối năm 2019 vẫn chưa thể tìm lại vị thế vốn có. Dù đã được điều chỉnh giá bán dễ chịu hơn trước, mức giá 669-849 triệu đồng hiện nay của các phiên bản Mazda3 sedan và hatchback vẫn không đủ sức hấp dẫn khách hàng. Tương tự, Honda Civic thế hệ thứ 10 thuộc diện kén khách tại Việt Nam khi có giá bán 729-929 triệu đồng, tiệm cận nhóm sedan hạng D.
Hyundai Elantra hiện không còn là lựa chọn sáng giá khi đợt nâng cấp gần nhất cách đây gần 2 năm. Mức giá 580-769 triệu đồng của Elantra cũng không đủ sức hấp dẫn khi đặt cạnh đối thủ đồng hương Cerato (544-685 triệu đồng).
Mẫu sedan của Kia vẫn đang duy trì được doanh số ổn định nhờ thiết kế bắt mắt và giá bán tốt nhất phân khúc. Tuy vậy, một mình Cerato là không đủ sức vực dậy cả phân khúc đã rệu rã.
SUV đô thị tăng cả về lượng và chất
Kể từ thời điểm quý III/2020, phân khúc xe gầm cao cỡ nhỏ, hay SUV đô thị, chứng kiến bước phát triển vượt bậc. Một loạt tân binh được giới thiệu trong vài tháng, đó là Kia Seltos, Toyota Corolla Cross, MG ZS và Peugeot 2008.
Cùng với đó, Ford EcoSport và Honda HR-V cũng có thêm bản nâng cấp trong giai đoạn cuối năm 2020. Nối tiếp “làn sóng” kể trên, đầu năm nay MG trình làng đời xe mới cho ZS. Đến trung tuần tháng 4 vừa qua, Mazda “tham chiến” với bộ đôi CX-3 và CX-30.
Như vậy, chưa đầy một năm qua số lượng dòng xe SUV đô thị tại Việt Nam đã tăng gấp 3. Từ chỗ chỉ có Hyundai Kona, Ford EcoSport và Honda HR-V cạnh tranh nhau thì hiện có đến 9 dòng xe với giá bán trải dài từ 600 triệu đến hơn 900 triệu đồng.
Không chỉ mở rộng danh mục sản phẩm, xe gầm cao đô thị còn đang là phân khúc tăng trưởng tốt nhất trên thị trường. Cuối năm 2020, tổng doanh số của Seltos, Corolla Cross, Kona, EcoSport và HR-V đạt hơn 24.000 chiếc, tăng 76,4% so với năm 2019.
Còn xét trong 3 tháng đầu năm nay, doanh số của 5 mẫu SUV vừa kể đã tăng 3,45 lần, đạt khoảng 8.600 chiếc. Tỷ trọng trên thị trường xe du lịch của phân khúc SUV đô thị hiện ở mức 11,5%, cao hơn nhóm xe hạng C. Các kết quả này chưa bao gồm doanh số của ZS và 2008 khi nhà sản xuất không công bố chi tiết số liệu bán hàng.
Seltos và Corolla Cross là 2 cái tên đóng góp chính với lượng xe chiếm gần 79,2% tổng lượng xe tiêu thụ của phân khúc và bán vượt cả 5 mẫu xe hạng C. Bộ đôi này cũng chia nhau 2 vị trí SUV 5 chỗ bán chạy nhất trong quý I với doanh số lần lượt 3.840 chiếc Seltos và 2.969 model Corolla Cross.
Tiếp tục dồn sức cho SUV đô thị
Có thể thấy, các nhà sản xuất ôtô không còn mặn mà với xe gầm thấp ở khoảng giá 600-900 triệu đồng. Miếng bánh SUV đô thị trở thành nơi ai cũng muốn có phần và sự cạnh tranh sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tiếp theo.
Thaco có thể sẽ trình làng một dòng SUV cỡ nhỏ khác là Kia Sonet, tầm giá dự kiến vào khoảng 600 triệu đồng, xếp dưới “đàn anh” Seltos. Với Sonet, Thaco sẽ có đến 5 mẫu SUV đô thị với khoảng giá bao trùm cả phân khúc và sẵn sàng cạnh tranh với những nhà sản xuất khác.
Kia dự kiến ra mắt Sonet tại Việt Nam. Ảnh: Kia.
Thành công của Corolla Cross là cơ sở để Toyota trình làng Yaris Cross trong thời gian tới. Phiên bản nâng gầm của Toyota Yaris đã được một vài đại lý xác nhận sẽ ra mắt trong năm nay tại Việt Nam và có giá bán vào khoảng 700 triệu đồng.
Ford Territory, mẫu SUV nằm giữa EcoSport và Escape, là cái tên sáng giá để hãng xe Mỹ so kè ở nhóm xe gầm cao 700-800 triệu đồng. So với EcoSport đã lỗi mốt, Ford Territory có ưu thế về mặt thiết kế và không gian sử dụng, đủ sức để cạnh tranh sòng phẳng với Seltos hay Corolla Cross nếu được đưa về nước.
Volw Việt Nam xác nhận kế hoạch giới thiệu T-Cross trong năm nay. Ảnh: VW.
Một cái tên hoàn toàn mới có thể được giới thiệu tại Việt Nam là Volkswagen T-Cross. Đại diện hãng xe Đức xác nhận T-Cross đã được lên kế hoạch ra mắt trong năm nay. Dù vậy, sẽ không dễ để mẫu SUV nhập khẩu của Volkswagen gây được khó khăn cho các mẫu xe như Kona, 2008 hay Seltos.
Bên cạnh đó, người dùng Việt Nam còn đang chờ đợi các phiên bản mới của Hyundai Kona. Được biết, mẫu SUV cỡ nhỏ của Hyundai sẽ sớm nâng cấp để để đòi lại vị trí đã mất vào tay Seltos và Corolla Cross.
Hoàng Phạm