68 tuyến buýt tại Hà Nội đang đứng trước nguy cơ dừng bánh bởi đã gần hết năm 2020, nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được thanh toán khoản trợ giá từ quý đầu năm.
Lý do chậm trả DN của UBND TP Hà Nội là bởi vướng cơ chế. Theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 10/4/2019), thay vì cơ chế trợ giá theo đặt hàng, từ tháng 6/2019, 104 tuyến buýt có trợ giá của thành phố phải chuyển sang cơ chế đấu thầu.
Trong năm 2019, đã có 36 tuyến hoàn thành việc này, 68 tuyến trợ giá khác chưa kịp tổ chức đấu thầu, sang đến hết quý 1/2020 việc đấu thầu mới xong. Do vậy, toàn bộ kinh phí hoạt động 68 tuyến buýt chưa đấu thầu trong 3 tháng đầu năm 2020 hiện chưa được thanh toán.
Ở một diễn biến khác, theo thống kê của sở GTVT TP Hà Nội, 5 năm qua, mạng lưới tuyến xe buýt tại Hà Nội liên tục được mở rộng với 127 tuyến (trong đó có 104 tuyến buýt có trợ giá). Trung bình mỗi năm thành phố trợ giá khoảng 1.300 tỷ đồng cho xe buýt.
Về vấn đề trên, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ lo ngại, chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm, các DN xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng. Với lãi suất từ 7 – 8%/năm, nếu thành phố và các bộ ngành có liên quan không sớm tháo gỡ, nguy cơ sụp đổ, dừng chạy của nhiều tuyến buýt Hà Nội sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, mạng lưới xe buýt Hà Nội có sự sụt giảm đáng kể về sản lượng hành khách và doanh thu. Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng hành khách xe buýt đạt 163,3 triệu lượt, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu đạt 213,6 tỷ đồng, giảm 43,4%.
Cũng theo thống kê từ Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, từ năm 2020 trở đi, mức trợ giá buýt dự kiến khoảng trung bình 2.000 tỷ đồng/năm và năm 2025 sẽ rơi khoảng 2.700 tỷ đồng.
Trước việc chuyển đổi sang hình thức đấu thầu theo Nghị định số 32 của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng trong quá trình tổ chức đấu thầu xe buýt, thành phố cần có cơ chế tính đúng, tính đủ, giám sát chặt chẽ để vừa bảo đảm doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời bảo đảm nguồn ngân sách trợ giá được sử dụng hiệu quả.
Theo Đại Đoàn Kết
Nguồn: Autopro