Chiếc Lotus Esprit từ bộ phim 007 “The Spy Who Loved Me” năm 1977 là một biểu tượng không chỉ vì thiết kế đẹp mắt, mà còn cả khả năng biến hóa thành tàu ngầm của nó. Chính vì vậy, không ít người đã lấy nó ra làm nguồn cảm hứng khi muốn tạo nên một phương tiện “vừa nổi vừa chìm” đa năng. Một trong số đó là SubSea Craft và công ty Anh Quốc này mới giới thiệu một mẫu concept tàu lặn cực kỳ tân tiến gọi là Victa.
Video giới thiệu khả năng hoạt động của tàu lặn Victa
Thiết kế của Victa có phần giống với Lotus Esprit, nhưng sự kết nối với mẫu xe James Bond lừng danh chỉ dừng lại ở đó, bởi vì không giống như Esprit, Victa là một phương tiện có thật hay chính khác là gần thành thật. SubSea đã thông báo hồi đầu tháng 11 rằng họ đang ở giai đoạn cuối của nguyên mẫu, và hoạt động thử nghiệm ngoài biển sẽ có lịch bắt đầu vào tháng 1 năm 2021.
Khi được bán ra thị trường với giá khởi điểm dự tính khoảng 9 triệu USD, Victa sẽ trở thành mẫu tàu lặn tân tiến nhất thế giới, dựa theo công ty Anh Quốc. Nó sẽ vừa là tàu máy tốc độ cao vừa là tàu lặn, một phương tiện lặn đặc biệt có sự kết hợp của công nghệ, sự lén lút, và nhanh. Theo nhà sản xuất, nó cũng sẽ sản phẩm nhắm đến nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng, từ quân đội đến các nhà thám hiểm triệu phú đang tìm kiếm “món đồ chơi mới”. Thực sự, họ tìm đâu ra một món đồ chơi dám hứa hẹn khả năng đi trên mặt nước ở tốc độ cao và rồi lặn sâu chỉ trong vòng 2 phút?
Victa có thân tàu bằng sợi carbon tổng hợp với phần lõi xốp Diab, giúp nó cứng cáp nhưng nhẹ cân. Nó được sơn màu đen mờ và có thể chở theo 6 thợ lặn, một người lái và một hoa tiêu, tất cả đều sẽ mặc đồ lặn. Nguyên nhân là bởi vì Victa là một dạng “tàu ngầm ướt”, tức là để lặn xuống thì nó cần làm ngập cabin trong nước. Toàn bộ quá trình này chỉ mất hai phút.
Về phần máy móc, Victa có trang bị một động cơ dầu Seatek 725+, cung cấp 725 mã lực tới một cặp phản lực nước Kongsberg Kamewa. Như video giới thiệu mô hình 3D ta thấy ở trên, Victa có thể được thả xuống mặt nước bằng máy bay trực thăng và có thể di chuyển tới địa điểm cần thiết với tốc độ lên đến 40 hải lý/giờ (74 km/h). Tốc độ hành trình là 30 hải lý/giờ và khoảng cách di chuyển dựa trên khả năng chứa nhiên liệu ước tính là 250 hải lý.
Khi cần phải lặn xuống nước, hệ thống đẩy sẽ chuyển sang mô tơ điện 20 kW chạy bằng một cụm pin lithium-ion, với 4 bộ đẩy để kiểm soát tốc độ chậm ở sâu dưới nước. Tốc độ tối đa dưới nước của Victa là 8 hải lý/giờ, với tốc độ hành trình 6 hải lý/giờ, trong khi tầm hoạt động là 25 hải lý và độ sâu tối đa là 30 mét.
Công nghệ lái “fly-by-wire” cho phép các bộ điều khiển được sử dụng cả trên mặt nước và dưới nước, trong khi hệ thống không khí mạch hở trên tàu đảm bảo rằng tất cả những người ngồi trong không bị cạn kiệt bình khí thở của mình trước khi họ đến đích. Hệ thống hỗ trợ sự sống trên tàu có khả năng cung cấp 4 giờ thở cho cả 8 người.
Victa dường như là một phương tiện phù hợp hoàn hảo cho các hoạt động quân sự đặc biệt, nhưng CEO của SubSea Craft, Scott Verney tin rằng nó cũng có thể thu hút cả dân thường nữa. Như đã đề cập ở trên, nó sẽ là món đồ chơi tuyệt vời cho những đại gia ưa thích mạo hiểm đang tìm kiếm cảm giác hồi hộp mới – hoặc đang muốn diễn cảnh vai James Bond ngoài đời thực.
Duy Thành