Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc thực hiện các chính sách miễn giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tác động của dịch Covid-19. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn nhiều loại phí, lệ phí đến hết 31/6/2021.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ ra soát để han hành hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định miễn, giảm phí, lệ phí.
Trong đó, với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính, Bộ đã ban hành 21 Thông tư điều chỉnh giảm mạnh các loại phí, lệ phí như: giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng…
Ước tính với các chính sách giảm phí, lệ phí nêu trên, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đối với khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP, theo đó quy định miễn lệ phí môn bài với nhiều đối tượng như: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; miễn lệ phí năm đầu đối với doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới. Tổng số lệ phí miễn theo nghị định này ước giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 của Chính phủ đã quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.
Ước tính của Bộ Tài chính, với việc giảm lệ phí trước bạ này, ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 3.700 tỷ đồng.
Các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí nêu trên sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, các nước châu Âu đang tiếp tục thực hiện các biện pháp tái phong tỏa để hạn chế lây lan dịch bệnh…
Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch; xu thế cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt, cản trở sự phục hồi thương mại, đâu tư toàn cầu.
Điều kiện kinh tế – xã hội trong nước hiện còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như du lịch, hàng không…
Do đó, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tiếp tục gia hạn các chính sách miễn, giảm các loại phí, lệ phí tại 21 Thông tư do Bộ Tài chính ban hành đến hết ngày 30/6/2021.
Đối với việc miễn lệ phí môn bài quy định tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho rằng việc miễn lệ phí môn bài với các đối tượng nêu trên nhằm thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích hoạt động khởi nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, các đối tượng thuộc diện miễn lệ phí sẽ tiếp tục thực hiện, không bị giới hạn thời gian như các loại phí, lệ phí điều chỉnh giảm để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Riêng đối với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước quy định tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính biết, trong quá trình thực hiện, Đại sứ quán một số nước (Indonesia, Thái Lan) và Hiệp hội Eurocham có ý kiến và gặp Bộ Tài chính kiến nghị về việc phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.
Vì vậy, Bộ Tài chính trình đề xuất Chính phủ khi Nghị định 70/2020/NĐ-CP hết hiệu lực (từ ngày 1/1/2021) thì không tiếp tục xem xét kéo dài.
Hà Loan (ANTĐ)