Rất ít hãng tại Việt Nam đang có ứng dụng hỗ trợ tài xế trong việc bảo dưỡng cũng như các thông tin liên quan đến xe.
Tại nước ngoài, việc sử dụng ứng dụng (app) để kiểm tra tình trạng xe, lịch bảo dưỡng, giá phụ tùng thay thế và cơ sở bảo dưỡng rất phổ biến. Không những vậy khách hàng có thể đặt lịch sửa chữa, kiểm tra các thông báo từ hãng như triệu hồi, lỗi trên dòng xe hay các phần mềm mới được cập nhật cho xe. Ngoài ra các hãng xe còn xây dựng cộng đồng trên ứng dụng, điều khiển xe qua điện thoại và chẩn đoán bệnh từ xa.
Hai ứng dụng cho khách của Honda (trái) và Hyundai.Ở Việt Nam, việc này còn khá xa lạ và chưa được triển khai đồng bộ từ tất cả các hãng. Hiện chỉ có Honda và Hyundai triển khai chương trình này, app của cả hai hãng đang có các tiện ích cơ bản như đặt lịch bảo dưỡng, thông tin, cơ sở bảo dưỡng cũng như thông tin mua xe.Ứng dụng của Honda có tính bảo mật cao hơn khi trực tiếp chủ xe phải nhập số khung, thông tin bảo dưỡng và lịch bảo dưỡng mới được hiện đầy đủ. Trong khi app của Hyundai mở và dễ sử dụng hơn khi cho phép không phải chủ xe cũng có thể kiểm tra các thông tin trên.Việc phát triển app tuy không có nhiều xa lạ, nhưng để áp dụng quản lý, bảo dưỡng và chăm sóc xe và tạo ra thói quen cho người sử dụng không phải là chuyện dễ.
Lợi ích của việc sử dụng app là giúp tài xế có thể dễ dàng quản lý xe như quãng đường di chuyển, tiêu thụ nhiên liệu, lịch cũng những phụ tùng cần thay thế theo cấp bảo dưỡng, nhờ đó dễ dàng hơn cho những người mới sử dụng và không có quá nhiều kiến thức về xe.
Phần mềm của Honda (trái) bảo mật hơn Hyundai.
Nhưng việc triển khai app tại Việt Nam còn khá yếu. Bên cạnh đó, các ứng dụng cũng không quá dễ trong việc sử dụng. Ví dụ, app của Hyundai xử lý thông tin chậm, hay bị lỗi, trong khi của Honda chưa có độ mở, tính bảo mật cao sẽ làm người sử dụng lúng túng và lười dùng.
Đoàn Dũng
Nguồn: VnExpress