Bernard Arnault, tỷ phú hàng hiệu đã vượt qua CEO Amazon, Jeff Bezos, để trở thành vị tỷ phú giàu nhất thế giới. Khác với Bezos khi siêu du thuyền của nhà sáng lập Amazon chỉ mới ở giai đoạn thai nghén, ông trùm của tập đoàn LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton), nắm giữ 70 thương hiệu thời trang cao cấp vốn đã có thú chơi du thuyền và đang sở hữu một siêu du thuyền xếp thứ 50 trong số 100 siêu du thuyền hàng đầu thế giới.
Du thuyền mà tỷ phú người Pháp đang sở hữu là siêu du thuyền lớn nhất của thương hiệu Feadship tính đến năm 2015, trước khi mất danh hiệu này vào tay siêu du thuyền Feadship 1001.
Symphony có chiều dài 101,5 m, thiết kế ngoại thất chịu trách nhiệm bởi De Voogt Naval Architects và Tim Heywood Design, nội thất được chế tác qua bàn tay tinh xảo của thương hiệu Zuretti Interior Designers. Đây cũng là du thuyền đầu tiên tuân thủ các quy định của bộ luật Passenger Yacht Code (PYC), cho phép chở được tối đa hơn 12 hành khách so với tiêu chuẩn.
Với khối tài sản ròng lên đến 186,3 tỷ USD, không có gì ngạc nhiên khi siêu du thuyền này có trị giá 150 triệu USD, một khoản tiền khá “khiêm tốn” so với khối tài sản kếch xù của Arnault.
Symphony có tổng dung tích gần 3.000 GT. Với cấu trúc thượng tầng bằng nhôm, siêu du thuyền có thể chở được 36 hành khách và là du thuyền thân thiện với môi trường, khi tiêu thụ nhiên liệu ít hơn 30% so với các mẫu du thuyền trong cùng phân khúc.
Symphony được trang bị bể bơi đáy kính ở boong chính, một rạp chiếu phim ở boong ngoài trời và bể sục trên boong tắm nắng. Trong khi trên boong của chủ thuyền được trang bị nhà tắm đầy đủ tiện nghi, phòng tắm hơi, buồng thay đồ, một bể sục ở sân hiên phía trước và phòng đọc sách. Sảnh khách và khu vực boong phía sau rộng rãi để thư giãn với bàn ăn tối đa 20 người.
Trước đó, Arnault từng sở hữu du thuyền Amadeus thuộc thương hiệu Timmerman Yachts, đã được bán lại với giá chào bán 50 triệu USD.
Tỷ phú giàu nhất thế giới Bernard Arnault bắt đầu quan tâm đến du thuyền từ năm 2008 khi ông đã mạo hiểm đầu tư vào ngành du thuyền bằng thương vụ mua lại hãng Princess Yachts của Anh. Đứng sau thương vụ này là L Capital, một quỹ do tập đoàn LVMH quản lý đã giành được quyền kiểm soát 70% cổ phần.
Tý Bùi
Ảnh: Feadship