Ferrari Modulo
Có thể coi là mẫu siêu xe ý tưởng concept nổi tiếng nhất của Pininfarina, Modulo ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm Ô tô Geneva năm 1970. Dù dựa trên chassis của chiếc Ferrari 512S 612 Can Am, nhưng nó không thể tự lăn bánh được, vì động cơ V12 và hộp số của chiếc xe chỉ là mô hình. Nhà tài phiệt Mỹ Jim Glickenhaus đã mua lại chiếc xe ý tưởng này từ Pininfarina vào năm 2014, sau đó lắp đầy đủ hệ động lực và tìm cách đem Modulo đi đăng ký để được cấp biển số lưu thông bình thường. Với kiểu dáng hình nêm lép kẹp, trông nó như một chiếc đĩa bay trên phố.
Lancia Stratos HF Zero
Chỉ vài tháng sau khi Pininfarina ra mắt Modulo, hãng chế tác thân xe Bertone đã đáp trả bằng chiếc Stratos HF Zero ấn tượng không kém. Được tạo dáng bởi Marcello Gandini và chỉ cao 84cm, Zero là một chiếc xe ý tưởng vận hành được với động cơ V4 1.6 lít từ dòng Lancia Fulvia Theo Gandini, mục đích khi ông tạo ra chiếc concept này là “thiết lập một cầu nối giữa Lancia và Bertone”. Và nó đã làm được điều đó.
Với thân xe siêu thấp, Giovanni Bertone – người sáng lập Bertone được cho là đã phóng nó thẳng qua barie chặn cổng ở “tổng hành dinh” của Lancia để tham gia một cuộc họp. Kết quả là Stratos đã được đưa vào sản xuất, dù phiên bản thương mại của nó có thiết kế khác biệt hoàn toàn.
Mazda RX-500
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Mazda cũng đang bận rộn với chiếc xe hình nêm của riêng mình. RX-500, được tiết lộ tại Tokyo Motor Show năm 1970, là món quà sinh nhật lần thứ 50 của Mazda cho chính hãng (mặc dù vậy tính đến thời điểm này, Mazda mới chỉ chế tạo xe được một thập kỷ).
Vừa là xe ý tưởng, vừa là nơi thử nghiệm công nghệ mới, RX có một động cơ 2 rotor 982cc được đặt ở giữa thân với công suất 247 mã lực và tua máy cực đại lên tới 15.000 vòng/phút. Nó là một bài học về việc giảm trọng lượng (chỉ 850kg) và có đèn hậu thử nghiệm đổi màu: xanh lục khi xe tăng tốc, màu hổ phách khi xe chạy với tốc độ không đổi và màu đỏ khi phanh. Ngày nay RX-500 nằm trong Bảo tàng Giao thông Vận tải Thành phố Hiroshima.
Maserati Boomerang
Được thiết kế bởi Giugiaro trước Triển lãm Ô tô Turin 1971 (đây thực sự là nơi hội tụ của những chiếc xe hình nêm trong thập niên 70), Boomerang là một mẫu concept độc nhất vô nhị dựa trên nền tảng của Maserati Bora với khả năng vận hành hoàn chỉnh nhờ động cơ V8 4.7 lít 310 mã lực và tốc độ tối đa khoảng 300km/h. Không chỉ gây sốc bởi kiểu dáng hình nêm đầy những đường thẳng, nó có nội thất đặc biệt điên rồ với bảng đồng hồ nằm ở trung tâm vô-lăng và vành tay lái xoay xung quanh nó.
Lamborghini Bravo
Cũng được ra mắt tại Turin nhưng vào năm 1974, Lamborghini Bravo dựa trên chiếc Urraco ở thời điểm đó. Trước Bravo, các mẫu concept Lamborghini Marzal và Countach của Bertone đã được sản xuất và hãng chế tác thân xe cũng đặt nhiều hy vọng vào Bravo. Nhưng dù Lamborghini đã sản xuất tới 2 chiếc và chạy thử gần 65.000km, cuối cùng nó vẫn không được đưa lên dây chuyền. Chiếc Bravo trưng bày trong triển lãm vẫn thuộc sở hữu của Bertone cho đến khi nó được bán đấu giá với giá gần 600.000 euro vào năm 2011.
Dome Zero
Minoru Hayashi bắt đầu chế tạo xe đua ở Nhật Bản vào giữa những năm 60. Sau đó, vào năm 1975, ông thành lập Dome với ý định chế tạo một số lượng nhỏ siêu xe cho đường phố, lấy một phần lợi nhuận để nuôi đua Le Mans của công ty ông. Tất cả đều phụ thuộc vào chiếc Zero – một chiếc “phi thuyền đường phố” sử dụng động cơ Nissan 6 xi-lanh thẳng hàng 2.8 lít và tổng trọng lượng chỉ nặng 920kg.
Bất chấp những nỗ lực hết mình, Dome đã không thành công trong việc đưa Zero ra bán ở Nhật Bản, và cũng không thành công ở Hoa Kỳ với Zero P2 cải tiến để hợp với luật đường bộ Mỹ. Vì vậy, Zero không bao giờ được sản xuất. Nhưng bản thân Dome vẫn sống sót nhờ một phần không nhỏ vào tiền bản quyền do các công ty đồ chơi trả cho việc sản xuất các mô hình thu nhỏ của Zero.
BMW Turbo
Bạn có tin rằng bên dưới BMW Turbo Concept 1972 là khung gầm của một chiếc 2002 giản dị, được sửa đổi để phù hợp với động cơ đặt giữa? Được chế tạo để kỷ niệm Thế vận hội mùa hè Olympic, được tổ chức tại thành phố Munich, Turbo sử dụng cùng một động cơ 2.0 lít mà sau này xuất hiện trên 2002 Turbo – chiếc xe thương mại với máy tăng áp đầu tiên tới từ BMW. Từ thời đó nó đã có ABS, các vùng hấp thụ xung lực phía trước và bảo vệ chống va đập bên. Turbo cũng có hệ thống radar tiên tiến để cảnh báo người lái nếu họ bám quá gần đuôi xe phía trước.
Chevrolet Aerovette
Trước chiếc C8 hiện tại Chevrolet đã từng không ít lần nghĩ tới chuyện đặt động cơ của Corvette ở giữa – và Aerovette là một trong những nỗ lực đó. Tiếp nối những mẫu Corvette động cơ đặt giữa khác của cuối thập niên 60 – đầu 70, chiếc xe được ra mắt vào năm 1973 với động cơ 4 rotor 420 mã lực. Cuối cùng nó đã được đổi tên thành ‘Aerovette’ vào năm 1976 và thay vào đó là động cơ V8 dung tích nhỏ. Từng được ban lãnh đạo hãng thông qua, nhưng cuối cùng Chevrolet đã quá “nhát gan” và không dám đưa Aerovette lên dây chuyền.
Lamborghini Athon
Vào năm 1980, tình hình kinh doanh của Lamborghini khá thê thảm. Để thể hiện sự ủng hộ đối với hãng xe này, Bertone đã mang Athon đến Triển lãm Ô tô Turin năm đó. Dựa trên dòng Silhouette với động cơ V8 3.0 lít 260 mã lực và hộp số sàn, Athon được đặt tên theo đạo sùng bái Mặt trời của người Ai Cập. Đó là một cái tên thích hợp bởi Athon là một chiếc xe mui trần, đem ánh nắng trực tiếp tới 2 người ngồi trong xe. Cuối cùng nó đã không được sản xuất, nhưng chiếc xe ý tưởng duy nhất vẫn sống sót tới tận ngày nay.
Aston Martin Bulldog
Được tạo ra vào năm 1979 nhưng không được công bố cho đến năm 1980, hình dáng quái dị của Bulldog nhằm giúp nó có thể đạt tốc độ 320km/h. Và với động cơ V8 tăng áp kép 5.3 lít (được cho là) đạt công suất 700 mã lực cùng kiểu dáng hình nêm, Bulldog lẽ ra không gặp khó khăn gì khi đạt được điều đó. Tốc độ tối đa trên lý thuyết của nó là 382km/h – nhanh hơn bất cứ thứ gì khác vào thời điểm đó.
Nhiều tin đồn cho rằng Aston Martin đã định sản xuất Bulldog với số lượng nhỏ, nhưng dự án đã bị huỷ bỏ vào năm 1981. Chiếc xe duy nhất được bán cho một hoàng tử ở Trung Đông. Nó hiện đang trong quá trình phục chế kéo dài 18 tháng. Sau khi hoàn tất, nhóm đứng sau dự án phục chế có kế hoạch sẽ thử đưa Bulldog lên 320km/h. Thời xưa, Aston Martin chỉ dám thử nghiệm nó tới tốc độ 309km/h.