Tuy chưa có chế tài cụ thể song nếu chiếu theo các quy định pháp luật, người bán ô tô cũ tua công-tơ-mét có thể bị phạt tiền, thậm chí phạt tù.
Hiện nay tại Việt Nam, tình trạng ô tô cũ mua đi, bán lại bị tua công-tơ-mét diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, khách hàng luôn chịu thiệt bởi chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể chế tài đối với hành vi tua công-tơ-mét ô tô. PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SB LAW:
Xin hỏi luật sư, hành vi tua công-tơ-mét xe cũ rồi bán cho người khác có bị coi là vi phạm pháp luật? Nếu có sẽ bị xử lý ra sao?
Hành vi tua ngược công-tơ-mét được hiểu là việc ngắt kết nối, khôi phục về ban đầu hoặc chỉnh sửa công-tơ-mét với ý định thay đổi số km được hiển thị trên đồng hồ. Đây là chiêu trò được nhiều đối tượng sử dụng khi bán xe cũ cho khách hàng khiến khách hàng thường phải trả số tiền lớn hơn giá trị thực tế của phương tiện. Bên cạnh đó, hành vi này còn có thể gây nguy hiểm đến an toàn sức khỏe, tính mạng của khách hàng vì các vấn đề lỗi cơ học nhiều khả năng bị bỏ qua khi thông tin bảo dưỡng bị sai lệch.
Trên thế giới, hành vi này sẽ bị xử phạt rất nặng, thâm chí có thể bị ngồi tù. Ví dụ như tại Úc, pháp luật Úc quy định những cá nhân phạm tội phải đối mặt với án tù 2 năm và phạt tiền từ 40.000 đến 60.000 USD, tùy thuộc vào tiểu bang, trong khi với tổ chức, công ty là mức phạt khoảng 200.000 USD.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có chế tài cụ thể áp dụng đối với hành vi này, mà chỉ có thể tham chiếu đến hành vi gian dối được quy định là một trong những hành vi bị cấm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định mức xử phạt đối với hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ có 20 triệu đồng.
Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội lừa dối Khách hàng, theo đó, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
– Đã bị xử phạt vi phạm về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Thu lợi bất chính từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng từ thông qua việc gian lận hang hóa để lừa dối khách hàng.
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong trường hợp hành vi lừa dối khách hàng là hành vi có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
Như vậy, theo quy định tại Bộ luật hình sự, người nào có hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác với mục đích lừa dối khách hàng bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, và có tổ chức có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Bán xe cũ tua công-tơ-mét có thể bị xử lý như vậy. Xin hỏi thêm luật sư vậy những người làm tài xế tua công-tơ-mét tăng lên để gian lận cước, tiền xăng… có vi phạm pháp luật?
Nhiều tài xế sử dụng hành vi tua công – tơ – mét tăng lên để gian lận cước nhằm móc túi khách hàng. Hành vi này của tài xế cũng là hành vi lừa dối khách hàng, do đó, chế tài xử phạt và mức xử phạt cũng tương tự so với hành vi tua công-tơ-mét xe cũ để bán ở trên.
Vậy theo luật sư, cần hành lang pháp lý, chế tài ra sao để chấm dứt tình trạng tua công-tơ-mét ô tô?
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể chế tài đối hành vi tua công – tơ – mét ô tô do đó các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi này vẫn lúng túng khi áp dụng văn bản pháp luật. Nếu tham chiếu đến Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là hành vi gian dối thì mức xử phạt hiện vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Do đó, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng chế tài cụ thể đối với hành vi này nhằm chấm dứt tình trạng tua công-tơ-mét tăng/giảm như hiện nay.
Đối với người tiêu dùng, để tránh mua phải xe bị tua ngược công-tơ-mét, cách tốt nhất là đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng chính hãng để kiểm tra. Những cơ sở này sẽ có các thiết bị giúp tra cứu chỉ số km thực tế, đồng thời đầy đủ thiết bị để có thể kiểm tra số km của xe.
Xin cảm ơn!
Theo xe.baogiaothong.vn
Nguồn: DailyXe