Sự việc này khiến nhiều người băn khoăn, không biết chiếc xe nào gắn biển thật, biển giả và hành vi sử dụng biển số xe giả sẽ bị xử lý ra sao?
Được biết, liên quan đến sự việc trên, hiện cơ quan công an đã vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định.
Về hành vi sử dụng biển số giả, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về thẩm quyền đăng ký xe và cấp biển số chỉ có Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ – đường sắt, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Ngoài những cơ quan trên, các cá nhân, tổ chức nào sản xuất biển số xe đều sai thẩm quyền và sẽ bị xử phạt. Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ cũng nghiêm cấm hành vi sản xuất, sử dụng hoặc mua, bán trao đổi biển số xe. Như vậy, cả người sản xuất và người sử dụng biển số xe giả đều vi phạm pháp luật.
Với xe ô tô, theo điểm d khoản 5 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng.
Không chỉ có vậy, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu biển số không đúng quy định và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 82 Nghị định 100 cũng quy định, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm.
Trường hợp làm giả hoặc sử dụng biển số xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10 – 50 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 – 5 năm.
Phạm tội làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3 – 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.
H.L (ANTĐ)