Kể từ mùa giải đua xe Công thức 1 năm 1993, những chiếc xe an toàn (Safety Car) là một phần không thể thiếu trong các quy định về an toàn tại mỗi chặng đua. Trong giải đua F1, Safety Car được sử dụng khi ban tổ chức muốn giảm tốc độ của các xe đua vì một lý do an toàn hoặc có thể do tai nạn hay điều kiện thời tiết bất lợi.

Trong suốt 25 năm qua chúng ta thường biết tới Mercedes-AMG là thương hiệu thường xuyên cung cấp những chiếc xe an toàn cho giải đua F1, từ chiếc sedan C36 đến những chiếc SLS. Nhưng trong mùa giải 2021 đã có sự thay đổi, đồng hành cùng chiếc AMG GT R đã thực hiện nhiệm vụ kể từ năm 2018 sẽ là Aston Martin Vantage. Chiếc Coupe màu xanh lá của Aston được nâng cấp nhẹ khối động cơ V8 4.0 lít AMG cùng một gói trang bị để phù hợp cho mục đích sử dụng.
Tuy nhiên trước khi Mercedes ký hợp đồng cung cấp xe an toàn vào năm 1996 cho tới hiện tại có thêm Aston Martin thì ban tổ chức của giải đấu đã từng sử dụng nhiều mẫu Safety Car đến từ các thương hiệu khác nhau.
Chiếc Safety Car đầu tiên của F1 xuất hiện vào năm 1973 tại Canada Grand Prix. Trong chặng đua này, chiếc Porsche 914 màu vàng đã được giới thiệu để thực hiện nhiệm vụ điều tiết tốc độ trên đường đua nhưng không may chiếc xe này đã xảy ra tranh chấp với các xe đua top đầu khiến chặng đua phải mất vài giờ để giải quyết rắc rối.
Một khoảng thời gian sau tới đầu những năm 1980 Safety Car mới được sử dụng trở lại và chiếc xe được giao nhiệm vụ trong 3 năm tiếp theo là Lamborghini Countach tại Monaco Grand Prix.
Tới mùa giải năm 1993 tại Brazil Grand Prix sau hàng loạt các thử nghiệm, chiếc xe an toàn đầu tiên đạt tiêu chuẩn kỹ thuật là Fiat Tempra, một sự lựa chọn kỳ lạ nhất được sử dụng tại giải đua xe Công thức 1.
Đến năm 1994, mẫu xe an toàn tiếp theo được lựa chọn là Opel Vectra tại San Marino Grand Prix và đây cũng là nơi xảy ra cái chết đầy bất ngờ của tay đua Ayrton Senna. Sau vụ va chạm trước ngày đua, chiếc Opel đã được đưa vào trường đua để điều tiết tốc độ các xe phía sau chạy chậm lại trong 5 vòng.
Bài học kinh nghiệm của giải đấu dường như đã được rút ra và chiếc xe an toàn được sử dụng lại vào năm 1995. Thực hiện nhiệm vụ lần này là chiếc Porsche 911 GT2 sở hữu động cơ 6 xi-lanh phẳng 3.6 lít sản sinh công suất 424 mã lực và được trang bị bộ lốp cỡ lớn cùng chắn bùn mở rộng.
Nhưng sau đó mọi thứ đã không còn thuận lợi khi chiếc Renault Clio được giới thiệu tại Argentina Grand Prix năm 1996. Mặc dù Clio Williams là mẫu hatchback hiệu suất cao vào thời điểm những năm 1990 nhưng tốc độ tối đa chỉ dừng ở 215km/h thua kém khá nhiều so với những chiếc F1 trên trường đua và thấp hơn khoảng 96km/h so với chiếc Aston Martin sắp tới sử dụng.
Kể từ năm 1996 tới thời điểm hiện tại được coi là kỷ nguyên của Mercedes mặc dù trong năm đó có một chặng Grand Prix ban tổ chức F1 vẫn sử dụng chiếc Renault Clio. Để bắt đầu công việc này thương hiệu xe Đức đã sử dụng C36 AMG. Đối thủ của BMW M3 được AMG hiệu chỉnh sở hữu động cơ 6 xi-lanh thẳng hàng 3.6 lít cho ra công suất 276 mã lực nhưng sử dụng hộp số tự động không phù hợp với giải đua F1.
Đến những năm 1970-1980 ý tưởng về chiếc Mercedes SL thực hiện nhiệm vụ điều tiết tốc độ các mẫu xe F1 tưởng chừng không khả khi nhưng vào năm 2001, chiếc xe này đã được trang bị hệ thống treo khí nén cùng động cơ V8 tăng áp 5.5 lít mạnh mẽ xóa tan những hoàn nghi. SL giữ trọng trách xe an toàn trong vòng hai năm trước khi nhường chỗ cho CLK Coupe.
Biểu tượng cửa cánh chim đến với giải đua Grand Prix vào 2010 khi mẫu xe an toàn chuyển từ SL 63 AMG sang chiếc SLS mới. SLS phù hợp hơn với nhiệm vụ trong trường đua vì hộp số được đặt sau cải thiện đáng kể khả năng phân bổ trọng lượng.
Nhằm hướng tới dòng xe an toàn hiện đại hơn, mẫu GT S đã kế nhiệm SLS AMG với thiết kế gọn gàng hơn mà vẫn đáp ứng các yêu cầu đề ra. Còn với chiếc xe an toàn hiện tại cho F1 được đưa vào sử dụng kể từ mùa giải 2018 chắn chắn là một bước tiến lớn so với AMG GT S trước đó bởi chiếc xe trông giống với một mẫu xe dành cho trường đua hơn. Hệ thống treo cũng phù hợp hơn với đường đua và công suất của động cơ V8 4.0 lít tăng lên từ 515 lên 577 mã lực.