Khi bô bin đánh lửa ô tô gặp trục trặc, chủ xe cần tiến hành kiểm tra để phát hiện và sửa chữa lỗi.
Những dấu hiệu thông báo bô bin đánh lửa ô tô bị hư hỏng
Động cơ mất lửa, rung giật và công suất của xe bị giảm là dấu hiệu rõ ràng nhất thông báo bô bin đánh lửa ô tô đã gặp trục trặc. Khi những cuộn dây bên trong bô bin đánh lửa ô tô bị đứt hoặc cháy, điện áp được tạo ra sẽ không đủ lớn để truyền tới bugi. Vì vậy mà hiện tượng động cơ mất lửa, tia lửa phóng ra yếu hay công suất động cơ giảm đi, khi hoạt động bị rung giật sẽ xuất hiện.
Bô bin đánh lửa xe Vivant
Khi đèn báo lỗi động cơ phát sáng, rất nhiều nguyên nhân chủ xe có thể nghi ngờ. Tuy nhiên một trong những nguyên nhân khiến đèn báo lỗi động cơ phát sáng chính là bô bin đánh lửa ô tô bị hư hỏng. Khi bô bin đánh lửa ô tô bị hư hỏng thì xi lanh sẽ bị mất lửa, dẫn đến tình trạng ô tô không thể khởi động. Vì vậy nếu xe không thể khởi động, rất có thể bô bin đánh lửa ô tô đã có vấn đề.
Các bước kiểm tra bô bin đánh lửa ô tô
Bước đầu tiên để kiểm tra bô bin đánh lửa ô tô đó là tắt máy xe và mở nắp capô. Tìm kiếm vị trí chính xác của bô bin đánh lửa. Tùy từng loại xe mà vị trí của bộ phận này sẽ khác nhau, tuy nhiên thông thường bô bin đánh lửa ô tô sẽ được lắp đặt ở gần vè xe hoặc gần bộ chia điện của ô tô. Nếu ô tô không có bộ chia điện, bô bin và bugi ô tô sẽ được nối trực tiếp với nhau. Việc kiểm tra bô bin đánh lửa ô tô đòi hỏi chủ xe phải chuẩn bị kính bảo hộ hoặc các thiết bị bảo vệ mắt. Nên đeo găng tay cách điện để phòng tránh tình trạng bị điện giật.
Sử dụng găng tay cách điện khi kiểm tra ô tô
Bước tiếp theo để kiểm tra bô bin đánh lửa ô tô đó là tháo dây cao áp của bugi, tuy nhiên chỉ tháo một dây. Bộ phận bên trong xe có thể rất nóng khi vừa hoạt động xong, vì vậy để đảm bảo an toàn, chủ xe nên đợi đến khi xe nguội hẳn rồi mới tiên hành thao tác này.
Sau đó, hãy tháo bugi bằng dụng cụ chuyên dụng tuýp mở bugi. Đây là thao tác bắt buộc khi đã tháo dây cao áp bugi. Lưu ý tuyệt đối không để ngoại vật rơi vào lỗ bugi vừa tháo ra. Động cơ sẽ phải chịu ảnh hưởng rất xấu nếu có ngoại vật rơi vào buồng cháy, việc loại bỏ ngoại vật cũng gây tốn kém thời gian, công sức và chi phí. Chủ xe có thể che lỗ bugi bằng cách bịt một tờ giấy hoặc mảnh vải lên phía trên lỗ. Bây giờ khéo léo lắp lại bugi vào dây cao áp, hãy thực hiện thao tác một cách chậm rãi. Sau khi lắp xong đừng vội đặt lại về lỗ bugi mà hãy cầm hai bộ phận này bằng kềm cách điện.
Kiểm tra bô bin đánh lửa ô tô
Tiếp theo, chủ xe tạo sự va chạm nhẹ giữa phần ren của bugi với một bộ phận kim loại nào đó trên động cơ. Đừng quên giữ bugi bằng kềm hoặc găng tay cách điện. Sử dụng tay không để cầm bugi có thể khiến chủ xe gặp các nguy hiểm về điện.
Tiếp tục với thao tác tháo rơ le bơm nhiên liệu hoặc tháo cầu chì của xe ô tô để kiểm tra bô bin đánh lửa ô tô. Trước khi tiến hành thao tác này, chủ xe cần vô hiệu hóa bơm nhiên liệu. Việc tháo rơ le bơm nhiên liệu là rất cần thiết, nếu không thực hiện thao tác này, hư hại nghiêm trọng có thể xảy ra. Để xác định chính xác vị trí rơ le bơm nhiên liệu, chủ xe nên tham khảo sổ tay hướng dẫn sử dụng đi kèm với xe ô tô. Chủ xe sẽ cần một người trợ giúp, người này sẽ khởi động động cơ khi chủ xe đang làm việc với các bộ phận của xe. Việc khởi động xe sẽ cung cấp năng lượng cho bugi.
Sau khi động cơ khởi động, hãy quan sát các bộ phận của động cơ xe. Nếu phát hiện một tia lửa màu xanh qua khe hở bugi, bô bin đánh lửa ô tô của xe vẫn đang hoạt động ổn định. Ngược lại, nếu tia sáng này không xuất hiện, chắc chắn bô bin đánh lửa ô tô đang gặp trục trặc nào đó. Thậm chí bô bin đánh lửa ô tô đã hỏng hoàn toàn, không loại trừ khả năng chủ xe đã thực hiện sai thao tác kiểm tra.
Nếu không xuất hiện tia lửa xanh thì bô bin đã hỏng
Sau khi kiểm tra, đừng quên lắp bugi và nối dây điện về như cũ. Khi sắp xếp mọi thứ về như cũ, chủ xe nên tắt toàn bộ động cơ xe để đảm bảo an toàn cho chính mình. Khi phát hiện hư hỏng, chủ xe cần mang xe tới trung tâm sửa chữa càng sớm càng có lợi cho xe.
Minh Duyên