SF90 Stradale là chiếc xe sở hữu vô vàn những cái mới, những cái nhất của Ferrari, điển hình đó là động cơ V8 4.0L F154 sau sửa đổi để đạt được mức công suất mạnh nhất mà Ferrari từng sản xuất. Thành quả của việc ứng dụng hàng loạt công nghệ này đó là hiệu suất vượt trội của SF90, nó đã vượt qua siêu xe triệu đô của Ferrari đó là LaFerari.
7 điểm thú vị trên Ferrari SF90 Stradale
- Chiếc xe đầu tiên của Ferrari được trang bị hệ dẫn động 4 bánh.
- Chiếc xe Plug-in Hybrid đầu tiên của Ferrari, nếu là Hybrid thì là chiếc xe thứ 2 sau LaFerari.
- Động cơ V8 mạnh mẽ nhất mà Ferrari từng sản xuất với 780cv (Đơn vị tính công suất của Pháp).
- Có thể coi SF90 là siêu xe dẫn động cầu trước, với đều kiện di chuyển trong chế độ điện hoàn toàn (phạm vi 27km).
- Siêu xe hiếm hoi có hộp số ly hợp kép 8 cấp nhưng lại không có số lùi (Số R), để tinh giảm trọng lượng và kích thước cho hộp số nên số lùi đã được loại bỏ, khi đi lùi chiếc xe sẽ sử dụng động cơ điện.
- SF90 có thể coi là siêu xe hiếm hoi vẫn còn sử dụng dây kéo kim loại với hệ thống phanh, tất nhiên là kết hợp với truyền động thuỷ lực. Nhưng đây là sự kết hợp cực kỳ hiếm hoi, ngay cả xe phổ thông với phanh tang trống cũng đã sử dụng truyền động thuỷ lực rồi.
- Ứng dụng công nghệ phát triển của F1 bao gồm: Hệ thống truyền động Hybrid, hệ thống tăng áp, công nghệ sợi Carbon giảm trọng lượng, hệ thống truyền động hộp số, hệ thống phanh Carbon Ceramic, hệ thống điều khiển Manettino và thiết kế khí động học.
Thiết kế
Thiết kế siêu xe là một điều vô cùng đặc biệt, nó vượt qua những khái niệm về nét thẩm mỹ bên ngoài mà ta có thể nhìn thấy ngay bằng mắt. Đối với mỗi thương hiệu sẽ là một nét đặc trưng riêng, và công việc đằng sau mà hầu hết chúng ta không thể nhìn thấy đó chính là việc chiếc xe có được nét thẩm mỹ theo ngôn ngữ đặc trưng của hãng nhưng lại tuân thủ tuyệt đối vào tính khí động học và các nhân tố tác động đến khả năng vận hành của xe như giải nhiệt.
Quảng cáo
Để giải bài toán nhiệt độ cho SF90, tất cả hệ thống giải nhiệt thiết yếu đều được bố trí ở phía trước xe. Với tạo hình đầu xe hình chữ V và chia ra 3 khu vực cụ thể để có thể lấy được không khí đáp ứng khả năng giải nhiệt. Ngay chính giữa là khu vực giải nhiệt cho hệ thống ba động cơ điện bao gồm 2 động cơ phía trước và 1 động cơ phía sau, đây là một hệ thống giải nhiệt khá phức tạp khi các chi tiết được bố trí cả phía trước lẫn phía sau và vẫn dựa trên nguyên lý cơ bản đó là dùng gió làm mát dung dịch giải nhiệt.
Vị trí hai bên đầu xe là hệ thống giải nhiệt kép, chúng đồng thời là một két giải nhiệt cho hệ thống pin 7,9kWh và thêm một két giải nhiệt chính cho động cơ đốt trong. Ngoài ra phần đầu xe còn đảm bảo thiết kế cho đường không khí có thể làm mát hệ thống phanh (4 bánh) cũng như đảm bảo tính khí động học cần thiết.
Ngoài thiết kế đầu xe hình chữ V để đảm bảo luồng không khí ra thì cắp ca-po phía trước cũng được thiết kế tương ứng với hai đường lõm hai bên, điều này đảm bảo đường không khí được dẫn chính xác từ đầu xe và chạy dọc theo thân xe qua gương chiếu hậu để đến hai hốc gió hai bên phía sau xe, nơi đặt hệ thống giải nhiệt không khí khí nạp Turbo, hay còn gọi là intercooler. Ngoài ra còn rất nhiều chi tiết khác dù rất nhỏ cũng đều là chi tiết trong hệ thống khí động học, ví dụ như một cánh ngay chính bộ đèn pha hay một phần ốp Carbon hai bên phần đầu xe.
Đèn chiếu sáng ngoài nhiệm vụ chiếu sáng ra cũng là một phần trong gói thiết kế khí động học, hoàn toàn không có chi tiết thừa và chắc chắn chúng không chỉ để tạo dáng thẩm mỹ. Đèn chiếu sáng trên SF90 cũng được trang bị công nghệ chiếu sáng thích ứng thông minh, tất nhiên sẽ có nhiều tuỳ chọn trang bị khác nhau, phụ thuộc vào ý muốn của chủ xe.
Do được xây dựng trên kiến trúc carbon nên không khó để nhìn thấy được rất nhiều sợi carbon từ bên ngoài cho đến bên trong hay cả ở sau lớp sơn của chiếc xe. Đầu xe vẫn có một không gian nhỏ có thể để một ít hành lý, phần cốp không sâu do 1 phần đầu xe thấp, một phần nữa là do bên dưới còn là không gian của 2 động cơ điện.
Phía trước cũng là vị trí đặt bộ pin Lithium-ion 7,9 kWh, nguồn năng lượng chính cung cấp cho 3 động cơ điện và sản sinh 220cv. Bộ pin có thể được sạc thông qua nguồn điện trực tiếp hoặc một phần nhỏ được sạc khi xe di chuyển. Với mức pin đầy thì chiếc xe có thể vận hành trong chế độ hoàn toàn bằng điện trong quãng đường 27km, quãng đường dư dả để chiếc xe đi ra khỏi nhà, đi ra khỏi khu đông dân cư mà không làm phiền bởi sự ồn ào của động cơ V8 hiệu năng cao.
Chiếc xe trưng bày tại đại lý Ferrari lần này đã mang sẵn gói trang bị hiệu năng cao, các trang bị này với mục đích chính là giảm 30kg trên tổng trọng lượng chiếc xe, trong đó bao gồm một số chi tiết như: bánh mâm carbon, ốp khu vực nắp đạy động cơ phía sau, ốp 2 bên cánh cửa, lò xo trong hệ thống giảm chấn làm bằng titan, hệ thống ống xả làm bằng titan….
Thiết kế khung sườn thế hệ mới có nhiều sửa đổi, đặc biệt là khoang người lái đã được dồn về phía trước nhiều hơn, nhưng vẫn dựa trên nguyên lý cơ bản của Ferrari đó là khung sườn dạng Module. Có ba phần khung rời được kết nối với nhau bao gồm khung phía trước, khung phía sau và khung chính giữa là khoang người lái. Thiết kế đặc biệt này đảm bảo cho chiếc xe Ferrari vận hành với hiệu năng cao, và có một điểm rất thú vị đó là trong trường hợp gặp tai nạn phía trước hoặc phía sau thì chúng đều có thể thay thế mà đảm bảo tính chất kỹ thuật của nhà sản xuất.
Bánh mâm được ứng dụng công nghệ Carbon để cho khả năng cứng chắc nhưng lại giảm được trọng lượng, đặc biệt đó là bộ bánh mâm này có thời hạn sử dụng nhất định, nếu thường xuyên vận hành chiếc xe trong điều kiện khắc nghiệt với nhiệt độ cao (trong trường đua) thì tuổi thọ của chúng càng giảm. Một hệ thống cảm biến hoạt động độc lập so với hệ thống cảnh báo áp suất lốp sẽ cho biết thời điểm cần phải thay thế bộ bánh mâm hoặc khi vận hành liên tục trong trường đua khiến bánh mâm bị nóng thì cảm biến cũng sẽ nhắc nhở người lái xe cần cho chiếc xe nghỉ ngơi, giải nhiệt.
Quảng cáo
Thiết kế của bộ bánh mâm còn đảm bảo được tính giải nhiệt khi cấu trúc khiến các nan trở thành những cánh quạt hút gió, là yếu tố phụ cho hệ thống giải nhiệt bánh mâm cũng như hệ thống phanh. SF90 trang bị bộ phanh hiệu năng cao Carbon Ceramic, nhà cung cấp bộ phanh này là Brembro.
Phía sau đuôi xe vẫn xuyên suốt thiết kế hình chữ V để đảm bảo tính khí động học các kỹ sư đã thiết kế. Khi chiếc xe vận hành ở tốc độ 250km/h nó sẽ tạo ra một lực ép xuống mặt đường đương 390kg. SF90 là một chiếc xe với thiết kế động cơ đặt giữa và nằm trước trục sau.
Cánh phía sau của SF90 mang thiết kế vô cùng đặc biệt, thậm chí nó đã được cấp bằng sáng chế. Hầu hết những chiếc xe thể thao hay siêu xe có thể được trang bị cánh gió có khả năng đưa lên cao khi chiếc xe vận hành ở tốc độ cao, nhưng với SF 90 khi vận hành ở tốc độ cao thì nó sẽ di chuyển xuống phía dưới ngăn chặn luồng không khí thoát ra bên dưới khiến cho toàn bộ lượng không khí hướng lên bên trên và thoát ra ngoài.
Phần đuôi của SF90 sở hữu ngôn ngữ thiết kế hoàn toàn mới, nó khác xa so với những đường nét thiết kế truyền thống của Ferrari. Đây là nét thiết kế mà các kỹ sư thế tạo lấy cảm hứng từ những con tàu vũ trụ, rất máy móc và hầm hố, tất nhiên chúng vẫn cần tuân thủ tuyệt đối thiết kế khí động học của toàn bộ chiếc xe.
Đèn cảnh báo tín hiệu phía sau với hoạ tiết nhận dạng hoàn toàn mới, đây có thể sẽ là một ngôn ngữ thiết kế cảm hứng cho những sản phẩm trong tương lai của Ferrari, nói một cách khác thì SF90 có thể là một chiếc xe trong thời điểm chuyển giao ngôn ngữ thiết kế, công nghệ giữa mới và cũ của Ferrari. SF90 ngoài hiệu năng đáng kinh ngạc ra thì còn sở hữu những tiện ích rất cơ bản cho người dùng như cảm biến va chạm, camera lùi và có cả chế độ tự động đậu xe.
Pô xả được đặt ở ví trí khá cao, tất nhiên không phải để tăng khả năng lội nước của chiếc xe. Điều này bị ảnh hưởng do cấu trúc mới của động cơ F154 trang bị cho SF90, buồng đốt hoàn toàn mới dẫn đến hệ thống khí nạp và hệ thống ống xả cũng theo cấu trúc hoàn toàn mới, để dành chỗ cho động cơ được đặt ở vị trí thấp nhất (hạ trọng tâm) nên đây là vị trí thích hợp nhất để đặt ống xả cho SF90.
Động cơ
Từ đầu điến cuối, các chi tiết đều tập trung vào tính khí động học và trọng lượng, động cơ cũng không ngoại lệ. Không chỉ cần sản sinh thật nhiều mã lực, các kỹ sư thiết kế tiếp tục phải giải những bài toán khó để giúp chiếc xe có được khả năng vận hành tốt nhất. Việc loại bỏ số lùi (số R) trong hộp số ly hợp kép 8 cấp là một ví dụ, sự cắt này giúp chiếc xe giảm được khoảng 10kg trên tổng trọng lượng, mấu chốt khác nữa đó chính là hạn chế được kích thước để tối ưu cho khoang động cơ.
Động cơ trang bị trên SF vẫn được phát triển trên nền tảng thế hệ động cơ V8 F154, tuy nhiên hàng loạt những sự thay đổi để nâng công suất lên tầm cao mới ví dụ như toàn bộ buồng đốt được làm mới, đường khí nạp, cổ góp khí xả và ống xả cũng được thiết kế mới. Điều thực sự đáng nể ở đây phải nói đến đó là việc các kỹ sư Ferrari đã có thể đặt khối động cơ V8 dung tích 4.0L với cấu trúc trục khuỷ tạo góc 90 độ này lọt sâu xuống bên dưới, ước lượng sơ bộ thì chiều cao đuôi xe không vượt quá 1,2 mét, nhưng điểm cao nhất của block động cơ vẫn cần đến hơn 40cm nữa mới cao bằng mặt phần đuôi xe.
Việc đặt được khối động cơ xuống rất thấp này khiến cho trọng tâm toàn bộ chiếc xe ở mức rất thấp, và nó là một trong những trang bị giúp chiếc xe hàng ngàn mã lực này phô diễn sức mạnh trên cao tốc hay trong đường đua với điều kiện khắc nghiệt.
Tổng kết toàn bộ sức mạnh từ 3 động cơ điện và động cơ đốt trong này, chiếc Ferrari SF90 đạt mức công suất 1.000cv, tương đương 986 mã lực (735kW) tại 7.500 vòng/phút. Mô-men xoắn tối đa đạt 800Nm tại 6.000 vòng/phút. Vòng tua tối đa giới hạn ở 8.000 vòng/phút.
Sức mạnh này giúp chiếc xe nặng 1.600kg (1.570kg bản hiệu năng cao) tăng tốc từ 0-100km/h trong vòng 2.5 giây, tăng tốc từ 0-200km/h trong vòng 6.7 giây và tốc độ tối đa 340km/h.
Nội thất
Nội thất của SF đã mang phong cách thiết kế mới của Ferrari, có lẽ chúng đã không còn quá “ích kỷ” khi chỉ tập trung cho mỗi người điều khiển xe. Với ngôn ngữ mới, buồng lái trên SF90 đã có thể chia sẻ phần nào cảm giác điều khiển xe với người ngồi bên ghế phụ.
Rất nhiều thao tác có thể điều khiển nơi màn hình phụ, màn hình này có thể xem là trang bị riêng cho người ngồi ghế phụ (ghế chính rất khó để thao tác được). Đây là màn hình màu và là dạng cảm ứng, kích thước không lớn nhưng có thể dễ dàng để hiệu chỉnh âm thanh, dẫn đường, cài đặt hệ thống hoặc mở chế độ theo dõi hiệu năng chiếc xe tương tự như màn hình của người điều khiển xe (tốc độ, vòng tua, biểu đồ lực G…).
Một cho tất cả, với màn hình kỹ thuật số kích thước 16 inch, tất cả những thông tin về vận hành và giải trí đều được hiển thị ở màn hình này. Một điểm tuy không quá mới trên Ferrari nói chung nhưng cái mới ở đây có lẽ là kích thước màn hình đã được nới ra rất rộng, rộng đến mức chưa từng thấy chiếc xe nào có màn hình thông tin rộng đến như vậy, cuối cùng đó là một màn hình HUD, hiển thị thông tin trên kính lái, những trang bị ít thấy trên siêu xe.
Theo sát với ngôn ngữ “mắt nhìn đường, tay trên vô-lăng”, SF90 được thiết kế để người điều khiển xe không cần phải rời tay ra khỏi vô lăng để thao tác. Từ những thao tác xi-nhan, điều chỉnh cần gạt nước mưa hay điều khiển đèn đều được tích hợp trên vô-lăng và điều khiển dễ dàng thông qua hai ngón tay cái.
Rất nhiều thao tác được điều khiển thông qua cảm ứng, bao gồm cả nút khởi động xe cũng là dạng nút cảm ứng. Tuy chưa được sử dụng thực tế hàng ngày, nhưng điều cơ bản mình cảm nhận được đó là những phím bấm bằng cảm ứng phần nào không làm cho khu vực vô-lăng trở nên rối và “nhiều nút bấm” khi hầu hết thao tác điều khiển đều được tích hợp ở đây.
Xe có 4 chế độ vận hành, chế độ eD là sử dụng hoàn toàn bằng điện và dẫn động cầu trước để di chuyển, có sẽ rất hay và hữu ích vào thời điểm bạn mang xe ra khỏi nhà hay hầm để xe, bởi chiếc xe lúc này không phát ra âm thanh gào thét của động cơ V8 hiệu năng cao giai đoạn Cold Start (giai đoạn làm nóng với vòng tua cao), bạn sẽ không làm phiền người thân trong nhà, giữ được mối quan hệ tình làng nghĩa xóm.
Chế độ H tức chế độ Hybrid, ở chế độ này thì cả hai nguồn sức mạnh là điện và động cơ đốt trong sẽ kết hợp với nhau một cách mượt mà nhất, người dùng có thể sẽ không thể nhận ra một điểm bất thường nào. Đồng thời đây cũng sẽ là chế độ tối ưu nhất để di chuyển thông thường.
Chế độ với là cờ là chế độ Performance, hiểu chính xác theo chiếc SF90 này thì đây là chế độ Sport không phải là chế độ Race giống như hầu hết các biểu tượng thể hiện cho chế độ Race là lá cờ. Ở chế độ này ngoài việc có sức mạnh từ cả bốn động cơ thì chiếc xe vẫn khai thác sức mạnh dư thừa để sạc điện vào cho bộ Pin, tất nhiên nó không quá nhiều.
Cuối cùng với biểu tượng đồng hồ bấm giờ là chế độ Qualify, đây là chế độ đua đối với chiếc SF90. Đây là chế độ có thể khai thác tối đa công suất 1.000cv của chiếc xe. Toàn bộ sức mạnh sẽ được phát huy, bộ pin sẽ được hoạt động ở mức dòng xả cao nhất và không có nguồn năng lượng tái tạo để sạc.
Lẫy chuyển đổi chế độ manettino, tương tự như nhiều mẫu Ferrari khác với khả năng chủ động kiểm soát hệ thống điện tử can thiệp đến xe từ nhẹ đến tắt hoàn toàn can thiệp của hệ thống. Sẽ có 4 mức điều chỉnh cụ thể, chính yếu sẽ tác động đến khả năng kiểm soát lực kéo – chống trượt của chiếc xe. 4 mức bao gồm chế độ trơn trượt (Wet), chế độ Sport, chế độ Race và tắt hoàn toàn. Chắc chắn không ai muốn chiếc xe triệu đô (tại Việt Nam) với hàng ngàn mà lực vút đi mà không có kiểm soát của hệ thống điện tử đâu.
Khu vực điều khiển trung tâm mang ngôn ngữ thiết kế mới, sẽ không còn những đường nhấp nhô trên cao hay nối liền với Dashboard với những nút bấm chuyển số, thay vào đó là 1 dải rất thấp và nhỏ, để để có thể trang bị 1 cổng sạc điện thoại, 1 khay để điện thoại, chỗ để ly nước kèm theo các phím chuyển số và điều khiển cửa kính.
SF90 chuyển số bằng các phím gạt thay thì nút nhấn như rất nhiều xe Ferrari khác. Vẫn sẽ là những chế độ như chuyển số tự động, chuyển số thủ công, Launch Control (ngoài cùng bên phải, biểu tượng là chữ L), và cuối cùng là chế độ R, nhưng hãy nhớ sạc pin đầy đủ để có thể lùi xe, hoặc không thì cũng cần nổ máy để sạc.
Một vị trí để đặt chìa khoá, thật ra chẳng cần phải đặt cái chìa khoá vào đây, bởi nó không có công năng gì hết, đơn thuần là với SF90 thì chiếc chìa khoá cũng là một chi tiết để trang trí cho khoang nội thất mà thôi.
Chìa khoá kim loại với mặt trước phắc hoạ hình con ngựa chồm, biểu tượng của hãng. Mặt sau được bọc da với đường chỉ may rất đẹp và tỉ mỉ phần nào thể hiện tính thời trang của Ý.
Ghế ngồi cũng là trang bị tinh giảm trọng lượng với phần khung Carbon, kết hợp với da cao cấp và da lộn Alcantara. Dây đai an toàn dạng đai với 1 điểm cài ngay chính giữa, không khó để sử dụng, nó gần giống như việc bạn đeo một cái balo thôi.
Chắc chắn sẽ còn một trời thông tin khi nói về siêu xe, một bài chia sẻ này của mình chỉ mong nó truyền tải được phần nào đó về chiếc xe này. Những thông tin khác về sản phẩm hay mua hàng anh em có thể đến đại lý Ferrari tại quận 7 để tham khảo thêm, và để anh em nào tò mò muốn biết thì giá chiếc xe sẽ đâu đó trên 35 tỷ đồng một chút, giá sẽ còn phụ thuộc vào những trang thiết bị đi kèm mà chủ xe option. Đã có những đơn hàng được đặt và chắc chắn sẽ thấy được những chiếc SF90 lăn bánh trên đường Việt Nam ngày càng nhiều lên.
Thêm một số hình ảnh: