Trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi hàng ghế trước trên ô tô
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Chính phủ trình Quốc hội mới đây đã quy định về chỗ ngồi của trẻ em trên ôtô. Cụ thể, tại khoản 4, Điều 7 của Dự thảo luật nêu rõ: “Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m được chở trên ôtô không được ngồi ở hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ”.
Hiện nay, các gia đình khi đi xe ô tô vẫn thường để trẻ em ngồi hàng ghế trên, bên cạnh lái xe. Một số gia đình có con nhỏ, trẻ nhỏ thường được người lớn bế ngồi cùng ở hàng ghế trên. Vì vậy, nếu Dự luật này được thông qua, thói quen đi xe ô tô của hầu hết các gia đình Việt Nam sẽ phải thay đổi.
Vì sao Dự thảo luật lại đề ra quy định về chỗ ngồi của trẻ em trên ô tô như vậy? Trẻ em nên ngồi chỗ nào trên ô tô để đảm bảo an toàn? Trao đổi trên trang Zing.vn, tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên trường Đại học Việt Nhật, chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết ở nước tiên tiến như Mỹ, Nhật… các nghiên cứu chỉ ra khi có tai nạn, người thể lực thấp, bé khi ngồi ở ghế phụ phía trước có nguy cơ cao đập thẳng đầu vào taplo của ôtô, dễ dẫn đến chấn thương não.
Ngoài ra, đối với các xe có túi khí an toàn, khi có va chạm túi khí sẽ bật ra với lực lớn, nhóm người này sẽ hứng trọn lực tác động vào vùng mặt, đầu.
Theo số liệu của trung tâm kiểm soát dịch bệnh và phòng ngừa Mỹ (CDC), trong năm 2018 tại Mỹ có 636 trẻ em dưới 12 tuổi bị tử vong trong các vụ tai nạn giao thông, 33% trong số các bé bị thiệt mạng đã không được sử dụng các biện pháp bảo vệ khi đi xe. Thống kê cũng cho thấy loại ghế an toàn dành cho trẻ trên ô tô giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương tới 71-82% so với việc chỉ dùng dây an toàn.
Chính vì thế, CDC đưa ra khuyến cáo các phụ huynh nên sử dụng ghế an toàn và chọn đúng loại phù hợp với nhóm tuổi của trẻ. Ví dụ: Ghế an toàn quay mặt về phía sau dành cho bé từ sơ sinh đến 2 tuổi; ghế an toàn quay mặt về phía trước dành cho các trẻ từ 2-5 tuổi; ghế nâng dành cho trẻ từ 5-9 tuổi. Giá của mỗi loại ghế trên thị trường Việt Nam hiện đang dao động từ 2-5 triệu đồng tùy theo chất lượng và thương hiệu.
Vị trí an toàn nhất cho trẻ ngồi trên ô tô là ghế giữa hàng sau
Hàng ghế sau, có thể là vị trí sau ghế lái, ghế chính giữa hoặc phía sau ghế phụ phía trước được xem là 3 vị trí ngồi an toàn nhất trên xe ô tô dành cho trẻ nhỏ. Tất nhiên, với trẻ dưới 3 tuổi nên sử dụng ghế ngồi trẻ em chuyên dụng trên xe ô tô và phải được lắp đặt kỹ càng, tránh trường hợp bị bung ra khi xe vào cua hay phanh gấp. Ghế ngồi của trẻ phải tựa lưng vào hàng ghế phía trước, ngược với hướng xe di chuyển. Theo kinh nghiệm, vị trí giữa của hàng ghế sau thật sự là nơi an toàn nhất khi nó ít bị ảnh hưởng khi xảy ra va chạm ở phía trước/sau hay 2 bên hông xe.
Theo các chuyên gia về xe hơi của đại học Buffalo, hàng ghế sau của xe ô tô có độ an toàn lớn hơn hàng ghế trước tới 59 – 86%. Và vị trí an toàn nhất chính là vị trí chính giữa của hàng ghế sau. Vị trí này có độ an toàn cao hơn 25% so với hai ghế sát cửa sổ của hàng ghế sau.
Như vậy có thể thấy, vị trí chính giữa của hàng ghế sau chính là vị trí an toàn nhất trên ô tô. Trong khi đó, ghế phụ cạnh ghế lái lại là một trong những vị trí nguy hiểm nhất trong ô tô.
Rắc rối khi thực thi luật?
Mặc dù chưa chính thức thông qua, tuy nhiên Dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang gây chú ý. Qua những phân tích ở trên, có thể thấy nhiều nước đã quy định và đưa vào luật về vị trí ngồi của trẻ em trên ô tô. Việc thực thi được tiến hành nghiêm khắc, đồng bộ. Chẳng hạn, hệ thống xử phạt tại Mỹ khá đồng bộ. Cơ quan chức năng có thể biết rõ danh tính, độ tuổi của tài xế và người trên xe khi nhập dữ liệu trên hệ thống. Do đó, việc kiểm soát ý thức chấp hành luật và xử phạt thuận tiện, nghiêm minh. Khai gian về độ tuổi trẻ em có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, nên cơ quan chức năng khó giám sát về độ tuổi của trẻ. Một số người cho rằng trẻ em dưới 12 tuổi chưa có thẻ căn cước hay chứng minh nhân dân, vì vậy để kiểm tra độ tuổi của trẻ, sẽ phải mang theo giấy khai sinh hoặc giấy tờ thay thế khác.
Hơn nữa, lái xe có thể sử dụng phương tiện ô tô không phải của chính chủ, cũng là một vấn đề khó khăn cho việc thực thi.
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần cân nhắc kỹ các phương án áp dụng để tránh sự rắc rối, phiền hà cho cả người lưu thông giao thông và lực lượng chức năng. Hiện tại, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội.
Tổng hợp