Trong khoảng nửa năm trở lại đây, giá cả tất cả các mặt hàng điện tử đều tăng lên, đơn giản nhất từ chiếc máy rửa bát cho đến sản phẩm thuần điện tử như linh kiện máy tính đều tăng giá đáng kể. Nguyên nhân chính khiến giá hàng điện tử tăng cao chủ yếu là do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho công nghệ cơ bản nhất của ngành điện tử: bán dẫn.
Nhìn vào thực tế, có thể thấy hầu như mọi ngành kinh doanh hiện nay đều sử dụng công nghệ điện tử, vì vậy tình trạng thiếu hụt chip khiến các ngành này phải tranh giành nhau từng chút một “miếng bánh bán dẫn” để doanh nghiệp của mình tiếp tục hoạt động sản xuất. Cung nhỏ, cầu lớn khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt vật liệu để sản xuất vì phải chia nhỏ nguồn cung cho các ngành sản xuất khác, đồng thời dẫn đến tình trạng sản lượng đầu ra của mọi ngành cũng giảm mạnh. Đương nhiên ngành ô tô cũng không phải ngoại lệ.
Ngành sản xuất ô tô cũng chịu ảnh hưởng do thiếu chip
Thiếu hụt chip ảnh hưởng gì đến ngành ô tô?
Những tưởng tình hình kinh doanh của các nhà sản xuất xe sẽ tăng trưởng trở lại sau vắc-xin Covid-19 được đưa vào sử dụng, tuy nhiên tình trạng thiếu chip toàn cầu như một cú giáng mạnh vào kỳ vọng này. Ngành công nghiệp ô tô từ vài thập kỷ trở lại đây phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ điện tử. Vậy nên tình trạng thiếu hụt chip cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp xe bốn bánh ở thời điểm hiện tại, đồng thời được xem là vấn đề nghiêm trọng nhất mà ngành này phải đối mặt trong hàng chục năm qua.
Chip và bán dẫn có vai trò quan trọng trong sản xuất ô tô
Trong ngành công nghiệp ô tô, chip có vai trò rất quan trọng, kết nối hàng trăm cảm biến và tính năng trên một chiếc xe. Một chiếc ô tô thiếu chip điều khiển không phải là một sản phẩm hoàn thiện và không đủ tiêu chuẩn xuất xưởng khi hệ thống cảm biến trên xe không hoạt động. Hãy thử tưởng tượng một tính năng cơ bản nhất như cảm biến dây an toàn không hoạt động? Hệ quả là toàn bộ hoạt động sản xuất ô tô sẽ bị đình trệ.
Khác với các ngành kinh doanh khác, công nghiệp ô tô có yêu cầu khá khắt khe về bán dẫn để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cũng như nhu cầu khách hàng. Sản phẩm xuất xưởng cần có khả năng chống chịu ảnh hưởng từ môi trường, ví dụ như thời tiết khắc nghiệt hay tình trạng rung lắc khi hoạt động.
Tình trạng các nhà sản xuất ô tô lúc này
Theo nhiều báo cáo và thống kê, việc thiếu hụt chip buộc các nhà sản xuất xe phải thu nhỏ quy mô sản xuất, đồng nghĩa rằng sản lượng đầu ra của nhiều dòng ô tô sẽ giảm.
Cụ thể, Ford dự kiến ngành sản lượng xe của hãng sẽ giảm khoảng 1,1 triệu xe trên toàn cầu trong năm 2021. Các mẫu xe chịu ảnh hưởng bao gồm Ford Bronco Sport, Explorer, F-150 và Mustang. Thương hiệu Lincoln thuộc Ford cũng có hai mẫu xe bị giảm sản lượng là Lincoln Aviator và Nautilus.
Nhiều nhà sản xuất đã buộc phải tạm dừng hoạt động một số nhà máy
General Motors cho biết lợi nhuận dự kiến của hãng trong năm 2021 sẽ sụt giảm 2 tỷ USD. Hiện tại hãng xe Mỹ cũng đang hạn chế hoạt động 5 nhà máy lắp ráp xe do tình trạng thiếu chip. Honda hiện cũng đã tạm dừng hoạt động nhiều nhà máy sản xuất ô tô tại Bắc Mỹ từ tháng 3, khiến nhiều mẫu xe như Accord, Civic, Insight, Odyssey và Acura RDX rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Nhiều thương hiệu khác như Nissan, Subaru hay Toyota hiện cũng đã tạm ngừng hoạt động một số nhà máy tại khu vực Bắc Mỹ.
Thương hiệu xe duy nhất tại Bắc Mỹ dường như không chịu nhiều ảnh hưởng của tình trạng thiếu chip là Hyundai bởi nhà máy của hãng tại Alabama vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất như chưa hề có gì xảy ra. Hyundai cho biết hãng hiện vẫn có đủ nguồn cung chip và bán dẫn để duy trì hoạt động sản xuất. Có được điều này là nhờ vào chiến lược ưu tiên nguyên liệu đầu vào cho nhà máy đặt tại các thị trường có nhu cầu mua xe lớn. Mặt khác, nhà máy của Hyundai tại Ulsan, Hàn Quốc đã tạm dừng hoạt động từ tháng 4 vừa qua.
Trong khi đó tại Châu Âu, Jaguar Land Rover và Mercedes-Benz cũng bắt đầu tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế sản xuất một số nhà máy ở Anh và Đức.
Ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xe ô tô
Thị trường xe ô tô đang khởi sắc trở lại sau nhiều tháng thiếu hụt nguồn cung do Covid-19 cộng với việc rất nhiều khách hàng vẫn kiên trì tìm mua xe trong thời điểm này đương nhiên sẽ có ảnh hưởng. Cụ thể, tình trạng thổi giá đã bắt đầu xuất hiện tại một số đại lý do khách hàng đang làm mọi cách để mua được xe trong khi số lượng xe trong kho đại lý lại bị giới hạn. Không chỉ có xe mới mà giá xe cũ trên thị trường cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua. Vì vậy, đây không phải là thời điểm thích hợp để mua xe, dù là xe mới hay xe cũ.
Tình trạng thổi giá xe ô tô có thể kéo dài đến giữa năm 2022
Vậy đến khi nào thị trường ô tô mới có thể trở lại bình thường? Điều này hoàn toàn phụ thuộc và các nhà sản xuất chip và bán dẫn. Ông Mark Liu, Chủ tịch của thương hiệu TSMC chuyên sản xuất chip và bán dẫn, cho biết tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài ít nhất từ 7 đến 8 tháng. Điều này đồng nghĩa rằng rất nhiều ngành công nghiệp sẽ tiếp tục sản xuất cầm chừng đến quý II năm sau. Nếu không có gì thay đổi, ngành ô tô và thị trường ô tô sẽ trở lại bình thường trong quý II hoặc quý II năm 2022.
Nam Phương