YouTuber “Integza” nổi tiếng vì một vài yếu tố; thứ nhất là thúc đẩy công nghệ in 3D và khả năng tự chế tạo tại nhà tới mức giới hạn, và thứ hai là có phần hơi lập dị. Sự kết hợp của hai yếu tố này giúp tạo nên những video vừa có tính khoa học lại vừa có tính giải trí vui vẻ.
Trong một video mới, anh ấy quyết định tạo nên một động cơ tua-bin phản lực của riêng mình, và như thường lệ, một việc nói thì dễ hơn làm. Integza đã phải mất công thử nghiệm vài bản thiết kế rồi mới tìm ra được một bản có thể hoạt động. Một khi anh ấy làm nó chạy được, dù chỉ là trong một thời gian ngắn và tại một nơi trông như tầng gác mái, cảnh tượng đó thật sự kỳ diệu và “bốc lửa” đúng nghĩa.
Video YouTuber tự chế tạo động cơ tua-bin phản lực bằng phương pháp in 3D
Video dài hơn 22 phút bắt đầu với việc Integza giải thích thử nghiệm của mình, và nỗ lực in 3D gần như toàn bộ động cơ, và mọi thứ diễn ra không hề thuận lợi. Về mặt lý thuyết, máy in 3D kiểu SLA có thể sử dụng chất liệu nhựa gốm (ceramic resin), đồng nghĩa bạn có thể in tất cả các bộ phận với độ dung sai hợp lý mà có thể chịu được nhiệt độ cực cao. Chúng phải được nung trong lò và co lại trong quá trình nung, tương tự gốm sứ thông thường, nhưng vẫn mang tính khả thi.
Tuy nhiên, chuyện này không mang lại kết quả như ý muốn của Integza. Nguyên nhân là chúng yêu cầu quá nhiều chất liệu hỗ trợ, và cuối cùng, các bộ phận chịu nhiệt độ cực cao đã được làm từ chất liệu xi măng lò sưởi được tạo thành trong khuôn in 3D. Tiếp theo, Integza cũng nhận ra rằng nhiều bộ phận, ví như buồng đốt, cũng sẽ phải được làm từ kim loại, vì vậy ở đoạn sau của video, anh ấy đã mua một chiếc máy hàn và học cách hàn. Tay nghề hàn của YouTuber này tất nhiên không cao, nhưng quan trọng là nó đủ vững chắc cho thử nghiệm.
Hình ảnh cắt từ video
Khối động cơ tua-bin phản lực bé nhỏ của Integza dường như vẫn có chỗ sai sót nào đó bởi nó chỉ có thể hoạt động trong chốc lát, và phải mất vài lần thử cùng một số bước điều chỉnh thì mới “nổ máy” thành công. Tuy nhiên, nó đúng là chạy được thật với nhiều bộ phận tạo ra bằng công nghệ in 3D.
Duy Thành