Thép không gỉ là vật liệu sản xuất vỏ đồng hồ phổ biến nhất. Thép tiêu chuẩn 316L (còn gọi là “thép phẫu thuật”) được sử dụng nhiều nhờ vào độ bền và khả năng chống ăn mòn. Ngoài ra, nó còn có ưu điểm như: giá thành rẻ, dễ gia công và chắc chắn, không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và mồ hôi. Ảnh: Monochrome Watches.
Vật liệu này chủ yếu xuất hiện ở đồng hồ giá rẻ và thể thao. Nó giữ được độ sáng bóng nhưng khả năng chống xước kém hơn so với các vật liệu khác. Tuy nhiên, thép không gỉ có thể được đánh bóng dễ dàng. Ảnh: BitDials.
Kim loại quý (vàng, vàng hồng, vàng trắng) luôn là chất liệu kinh điển trong đồng hồ đeo tay. So với thép, chúng đắt hơn đáng kể. Vàng được sử dụng nhiều vì nó mang đến vẻ ngoài ấn tượng cho người trải nghiệm. Song nó có nhược điểm khiến người mua cần cân nhắc như: Dễ bị biến dạng, hư hỏng. Do đó, chất liệu này không được khuyến khích đeo hàng ngày. Ảnh: British GQ.
Titan thường được dùng trong sản xuất hàng cao cấp. Nó có vẻ ngoài tương đồng với thép không gỉ nhưng mờ và ít sáng bóng hơn. Đây là lý do nó chủ yếu được sử dụng trong đồng hồ thể thao. Mẹo để phân biệt hai chất liệu này là dựa vào trọng lượng. Titan nhẹ gần bằng một nửa thép không gỉ. Ngoài ra, titan có độ bền cao hơn. Dù vậy, vật liệu này khó gia công nên các vết xước khó được đánh bóng. Ảnh: Oracle Time.
GQ Germany cho biết gốm sứ là vật liệu phổ biến trong phân khúc giá cao của đồng hồ thể thao. Lý do là nó nhẹ, cứng, gần như hoàn toàn miễn nhiễm với các vết xước hoặc lõm do va chạm thô. Thay vì đun chảy, gốm được nung nóng. Về màu sắc, nó thường có vẻ ngoài matte (mờ) hoặc sơn bóng láng, có cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, trong trường hợp bị rơi trên nền cứng, nó có thể bị vỡ và các bộ phận bị tách rời. Ảnh: Luxsure.
Kim loại đầu tiên con người tự làm là đồng. Tuy nhiên, nó chỉ trở thành xu hướng trong sản xuất đồng hồ trong vài năm gần đây. Với màu nâu ánh đỏ, đồng mang đến vẻ ngoài cổ điển. Do quá trình lão hóa tự nhiên, đồng dễ bị gỉ. Mặt khác, trọng lượng của đồng tương đương với thép không gỉ. Ảnh: Monochrome Watches.
Được biết đến là kim loại quyền lực, bạch kim là vật liệu hiếm nhưng phổ biến cho đồng hồ sang trọng. Do đó, nó có giá thành không rẻ. Bạch kim thường có độ tinh khiết 95% với màu trắng tự nhiên, không bị phai hay xỉn màu, gây dị ứng. Nó nặng hơn vàng nhưng có khả năng chịu đựng tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình xử lý bạch kim phức tạp. Ảnh: Time and Tide Watches.
Carbon được tạo thành từ các sợi tốt nhất, siêu nhẹ (50% trọng lượng của titan) và chống xước. Ban đầu, nó xuất phát từ việc chế tạo xe cộ, máy bay. Vì vậy, nó là vật liệu hoàn hảo để sản xuất đồng hồ thể thao. Bên cạnh đó, đặc tính màu đen và xám mang đến vẻ ngoài nam tính. Mặt khác, đồng hồ làm bằng carbon có giá đắt, chủ yếu là do tay nghề công phu. Ảnh: WorldTempus.
Cách lựa chọn đồng hồ cho nam giới Tim Dessaint gợi ý một số mẹo giúp các chàng trai có được mẫu đồng hồ phù hợp với phong cách.
Phương An