Đóng vai trò rất quan trọng, sơn xe ôtô giúp chiếc xe trở nên thời thượng, đẹp mắt và giá trị hơn. Tuy nhiên, màu sơn xe ôtô không phải muốn thay là thay, điều đó còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Đáng lưu ý là chủ xe cần phải làm đúng thủ tục, quy định của pháp luật để tránh những rắc rối liên quan.
Sơn xe rất dễ bị tổn hại trong quá trình sử dụng, do nhiều tác động bên ngoài như va quệt, động chạm,… Do đó, sơn xe ôtô bị trầy là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, sơn xe cũng sẽ bị bạc màu, bong tróc, “xuống mã” vì ảnh hưởng từ môi trường, thời tiết, khí hậu,…
Sơn xe ôtô bị trầy, xước
Thông thường, sơn xe hơi có 4 lớp chính gồm sơn phủ bóng ở trên, sơn màu ở giữa, sơn lót và sơn chống gỉ. Nếu các vết trầy, xước chỉ trên diện nhỏ và nằm ở lớp sơn bóng thì có thể khắc phục bằng cách đánh bóng xe.
Tuy nhiên nếu sơn ôtô khi bị xước, trầy nặng ở diện rộng làm tổn hại đến lớp sơn chính, sơn lót, sơn chống gỉ và vỏ xe thì cần sơn lại xe. Tuỳ vào tình trạng nặng nhẹ, diện tích của chỗ xước mà chủ xe có thể quyết định sơn lại 1 vùng hay cả xe.
|
Sơn xe ô tô rất “nhạy cảm”, chúng dễ bị ảnh hưởng nếu xảy ra va chạm. |
Sơn xe bị bạc màu, nứt nẻ
Màu sơn của xe ôtô trong khoảng thời gian 5 năm thường vẫn được giữ được vẻ đẹp nhưng sau đó, sẽ bắt đầu bạc màu, nứt nẻ. Sau 10 năm, sơn xe bị xuống cấp nặng hơn là bong tróc. Phụ thuộc vào điều kiện sử dụng của xe mà tuổi thọ màu sơn sẽ khác nhau. Cách khắc phục tình trạng này là cần sơn lại toàn bộ.
Đổi màu xe
Bên cạnh 2 lý do khách quan trên thì có thêm một nguyên nhân nữa khiến chủ xe muốn “thay áo” cho chiếc “xế cưng” của mình vì sở thích, mong muốn. Có thể màu sơn xe vẫn đẹp, song chủ xe vẫn muốn đổi màu sơn sau một thời gian sử dụng để chiếc xe trông thời trang hơn, lạ mắt hơn, hợp với xu hướng hoặc cho hợp phong thủy.
Có những kiểu sơn xe nào?
Trước khi quyết định sơn lại ôtô, chủ xe nên tìm hiểu các kiểu sơn xe khác nhau để xem kiểu này phù hợp với mình. Sau đây là các kiểu sơn xe phổ biến hiện nay.
Sơn dặm ôtô
Sơn dặm ôtô (sơn vá) tức là sơn một bộ phận, vị trí cụ thể trên xe chứ không phải sơn toàn bộ xe. Cách sơn này để khắc phục các vết trầy xước nhẹ, có diện tích nhỏ, chỉ tập trung một khu vực trên xe.
Sơn dặm có ưu điểm là chi phí thấp hơn nhiều so với sơn lại toàn bộ xe. Thời gian sơn cũng ngắn hơn, chỉ khoảng 1 – 2 ngày.
Sơn dặm ôtô đòi hỏi độ khó rất cao ở công đoạn pha màu và phun sơn, người thợ cần phải có kỹ thuật cao, dày dặn kinh nghiệm thì mới có thể khiến màu mới pha đúng với màu nguyên bản, tạo ra sự đồng nhất. Nếu pha màu và phun sơn không đúng kỹ thuật sẽ khiến sơn xe không đều màu, gây mất thẩm mỹ.
Sơn toàn bộ xe
Sơn toàn bộ xe là xử lý toàn bộ lớp sơn cũ rồi sơn mới bằng 4 lớp chuẩn: sơn chống gỉ, sơn lót, sơn chính và sơn bóng. Có 2 cách sơn toàn bộ là sơn toàn diện khung và sơn ngoài.
Sơn ngoài là sơn phần vỏ ngoài xe, ở những vị trí có thể nhìn thấy được. Trong khi đó, sơn toàn diện là sơn toàn bộ khung và vỏ xe (cả phần thấy được lẫn phần khó nhìn ở trong).
Muốn sơn toàn diện khung, cần phải tháo hết tất cả máy móc, nội thất để thấy được toàn bộ khung và thân vỏ xe. Cách này hiếm khi áp dụng cách bởi quy trình phức tạp, kỹ thuật cao, mất nhiều thời gian và không thực sự cần thiết nếu thân vỏ xe không bị tổn hại nghiêm trọng.
Sơn toàn bộ được chỉ được thực hiện khi xe bị trầy xước nặng và ở nhiều vị trí, sơn xe bị bạc màu, bong tróc hoặc chủ xe muốn đổi màu sơn. Tuy nhiên, giá sơn khá cao, mất nhiều thời gian, có thể từ 5-15 ngày.
|
Có 2 kiểu sơn xe chính: sơn dặm ôtô và sơn toàn bộ. |
Quy trình sơn xe ôtô
Điều đầu tiên bạn cần làm là tìm chọn một xưởng dịch vụ sơn xe ôtô chuyên nghiệp và uy tín. Bạn nên xem cơ sở đó có các trang thiết bị chuyên nghiệp hay không, ví dụ như lò sấy sơn, buồng phun sơn, súng phun sơn, dụng cụ pha trộn sơn, đồ đánh bóng,… Những địa chỉ sơn xe ô tô uy tín thường có chính sách bảo hành 3 – 12 tháng nhằm cam kết chất lượng sơn xe. Việc lựa chọn một nơi làm tốt sẽ giúp chiếc xe lên màu ưng ý, tránh tiền mất tật mang, do đó các chủ xe cần lưu ý.
Quy trình sơn xe chuẩn sẽ gồm 6 bước là kiểm tra xe làm sạch bề mặt, sơn chống gỉ, đánh bả matit, sơn lót nền, pha màu và phun sơn, đánh bóng.
Bước 1: Kiểm tra và làm sạch
Đầu tiên, thợ sẽ kiểm tra, đánh giá sơn xe, các vị trí hư hại để đưa ra phương pháp xử lý phù hợp. Tiếp đến là làm sạch bề mặt bị trầy xước, hư hỏng bằng máy đánh giấy ráp tự động, tẩy hết lớp sơn cũ của xe, những vết xước dăm tạo độ bám khi sơn lớp mới.
Những thân xe bị va chạm, tai nạn biến dạng sẽ được làm đồng ô tô, bao gồm các kỹ thuật như rút tôn, gò, nắn,… để lấy lại form chuẩn ban đầu cho chiếc xe.
|
Quy trình sơn xe ô tô gồm 6 bước chính. |
Bước 2: Sơn lót chống gỉ
Sơn lót 1 lớp sơn chống gỉ vào bề mặt, đợi 10 phút chờ khô rồi tiếp tục đánh bằng giấy ráp ướt làm sạch bề mặt, tăng độ bám dính cho lớp bả và sơn lót. Lớp sơn này giúp chống ẩm, ngăn ngừa gỉ sét phá huỷ xe từ bên trong, tránh bị ăn mòn.
Bước 3: Đánh bả matit
Sau khi đánh giấy ráp ướt, lau thật khô bề mặt, bả 1 lớp matit vào bề mặt bị trầy xước để lấp đầy chỗ bị trầy xước, lồi lõm để lấy lại đúng khuôn chuẩn của xe. Khi tiến hành phải rất cẩn thận, chú ý lau thật khô bề mặt vì nếu bề mặt còn ướt thì bả matit sẽ bị bở, không tạo được khuôn xe.
|
Vì các vết lõm nhỏ này khó xử lý triệt để bằng kỹ thuật làm đồng nên phải được thao tác đánh bả matit. |
Bước 4: Sơn lót
Sơn lót 1 lớp sơn nữa lên trên bề mặt vừa matit, ngăn phần matit không ăn ra ngoài. Nếu không làm kĩ thì lớp matit sẽ thấm ra ngoài, ảnh hưởng đến màu sắc của xe. Đợi sơn khô, lớp sơn này giúp che màu bả matit hoặc sơn chống gỉ, giúp lớp sơn chính lên màu chuẩn, bóng đẹp hơn. Nhiệt độ chuẩn khi sơn là 30-36 độ C, nếu độ ẩm cao, thời tiết xấu thì nên sấy bằng lò sưởi.
Bước 5: Phun màu và pha sơn
Bước này quyết định trực tiếp đến màu sơn của xe. Khi sơn một vùng trên xe ô tô, người thợ phải xác định đúng màu sơn chuẩn của xe để lớp sơn mới hài hòa với màu sơn tổng thể, tránh bị loang lổ, lệch tông. Thợ sơn phải tra đúng mã màu chuẩn của xe từ nhà sản xuất rồi tiến hành đong đếm pha sơn, đòi hỏi độ chính xác cao.Tiếp đến là phun sơn trực tiếp lên bề mặt.
Có 2 cách pha sơn phổ biến, bao gồm sơn 2 thành phần và sơn phủ bóng. Trong đó:
– Sơn 2 thành phần là sơn có pha kèm dầu bóng, phù hợp cho xe màu trơn như trắng, đen, đỏ,…
– Sơn phủ bóng là sơn 1 lớp màu, sau đó mới sơn dầu bóng, phù hợp với xe có màu hạt nhũ.
Công đoạn sơn phải làm trong phòng sơn vì nếu làm ngoài trời, thời tiết sẽ ảnh hưởng đến hạt màu, màu sẽ không được bền. Sau khi sơn, sấy 10 phút với nhiệt độ tiêu chuẩn là 60 độ C. Quá trình sấy khô cần được phải được giám sát kỹ càng.
|
Công đoạn sơn phải làm trong phòng sơn để đảm bảo màu lên đúng chuẩn và bền bỉ. |
Bước 6: Đánh bóng
Cuối cùng là đánh bóng bề mặt bằng máy chuyên dụng. Người thợ dùng 1 lớp xi bảo dưỡng lại bề mặt tạo thêm độ bóng để lớp sơn hoàn thiện, chống lại tác động của môi trường và tia tử ngoại, giúp làm mờ và cũ bớt mảng sơn mới nhưng lại làm bóng và mới những mảng sơn cũ, khiến cho tổng thể đồng đều và bóng đẹp hơn. Sẽ rất khó phân biệt được đâu là chỗ sơn mới, đâu là chỗ sơn cũ nếu công đoạn này được làm tốt. Thời gian hoàn thiện thường là từ 3 – 7 ngày, tùy thuộc vào mức độ hư hại vào mức độ thiệt hại nặng, nhẹ của xe.
Để có màu sơn xe ôtô đẹp thì sau khi sơn xe xong, người ta thường phủ nano hoặc ceramic. 2 chất phủ này giúp chống bám nước, hạn chế các chất bẩn gây hại cho sơn xe bám dính lên, đồng thời tăng cường bảo vệ lớp sơn bóng cho xe, nếu bị trầy xước thì cũng sẽ giảm tổn hại hơn, giúp sơn xe bóng đẹp.
|
Đánh bóng bề mặt là công đoạn cuối cùng của quy trình, được dùng bằng máy chuyên dụng. |
Sơn lại xe ô tô giá bao nhiêu?
Giá cả của việc sơn lại xe ôtô tùy vào bề mặt diện tích hư hỏng. Hiện tại, giá sơn một vài bộ phận của xe (nắp ca-pô, cản trước, cánh cửa, cốp sau, nóc…) thường khá rẻ, từ 400.000 – 1.500.000 đồng. Trong khi đó, với quy trình sơn cả xe thì giá trung bình từ 8-12 triệu đồng, có thể thay đổi theo dòng sơn bạn yêu cầu. Nếu đổi màu xe thì mức giá ít nhất từ 10 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, mức giá cũng phụ thuộc vào dòng sơn mà xe sử dụng. Sơn càng đắt tiền thì lớp vỏ xe càng đẹp. Có 4 dòng sơn chính hãng được hầu hết các gara sử dụng là: Dupont, ICI (nexa), Sikken và Lessomal (chất lượng thấp nhất, chuyên dùng cho xe tải).
Thủ tục đổi màu sơn xe ôtô
Theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 – 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô nếu tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.
|
Chủ xe muốn sơn lại màu xe cần phải đăng ký thay đổi màu sơn xe ô tô theo đúng quy định. |
Bởi vậy, các chủ xe cần tuân theo quy định về màu sơn xe ôtô, thực hiện đăng ký thay đổi màu sơn xe ôtô. Theo Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an, thủ tục đổi màu xe trên Giấy chứng nhận đăng ký xe như sau:
– Hồ sơ chuẩn bị gồm: Giấy khai đăng ký xe, Giấy tờ chủ xe (giấy Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước), Giấy chứng nhận đăng ký xe.
– Hồ sơ nộp tại: Phòng cảnh sát giao thông, phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, công an tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
– Chủ xe cần mang xe đến để kiểm tra khi đi đổi màu sơn xe trên Giấy chứng nhận đăng ký xe. Thời gian cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký xe mới không quá 30 ngày từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Màu sơn xe làm tăng tính thẩm mỹ cũng như giá trị của “xế cưng”. Tuy nhiên, việc thay đổi màu sơn cũng có nhiều điều cần lưu ý. Hy vọng với bài viết đầy đủ về sơn xe ôtô trên đây, độc giả đã có được những thông tin cần thiết, giúp ích cho quyết định sơn màu mới cho xe của mình.