Sedan phân khúc D không có nhiều biến động
Trong bối cảnh thị trường ôtô Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, tất cả các mẫu xe đều giảm doanh số đáng kể, khiến những cuộc cạnh tranh ở các phân khúc cũng kém sức hút hơn. Mặt khác, người tiêu dùng cũng đang tập trung sự chú ý vào những mẫu SUV, crossover và bán tải gầm cao khiến tình hình càng trở nên khó khăn với các mẫu sedan.
Sedan hạng D lại được biết đến là một trong những phân khúc kén khách hàng, bởi mức giá không dành cho số đông. Nhiều mẫu xe đã âm thầm biến mất trên thị trường, như Hyundai Sonata, Nissan Teana, càng cho thấy đây không phải một “miếng bánh ngon” dành cho các hãng.
Hiện chỉ còn 4 cái tên cạnh tranh trong phân khúc này, gồm Toyota Camry, Honda Accord, Mazda6 và Kia Optima. Tuy nhiên, thị phần áp đảo đang thuộc về Toyota Camry, dù cho mẫu xe này từng phải nhận khá nhiều chỉ trích như chậm thay đổi, già cỗi, trang bị nghèo nàn…
Biểu đồ thị phần các mẫu xe phân khúc D trong 9 tháng đầu năm
Cụ thể, theo báo cáo từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), đã có 5.258 chiếc sedan hạng D bán ra thị trường trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Toyota Camry là mẫu xe dẫn đầu phân khúc với 3.331 xe bán ra, chiếm 63% thị phần, dù doanh số giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đối thủ trực tiếp của Camry là Mazda6 bị sụt giảm tới 22,7% doanh số, với chỉ 1.060 xe bán ra trong 9 tháng đầu năm.
Khoảng cách giữa 2 mẫu xe này ngày càng được nới rộng, khi lượng xe Camry bán ra thị trường thường gấp 3-4 lần Mazda6 trong 2 năm gần đây. Năm 2019, Toyota bán được 5.428 chiếc Camry, chiếm 66,7% thị phần phân khúc D trong khi con số tương ứng của Mazda6 là 20,6%.
So sánh doanh số giữa Toyota Camry và Mazda 6.
Còn cơ hội nào cho Mazda6?
Về cơ bản, mức tăng trưởng doanh số đột biến của Toyota Camry, giúp gia tăng khoảng cách với Mazda6, là kết quả của màn ra mắt thế hệ mới vào đầu năm 2019, phần nào đó đã giúp thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về mẫu xe này.
Được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, mẫu sedan cỡ trung của Toyota có thiết kế nội ngoại thất mới, giúp xe thể thao và trẻ trung hơn, đồng thời được giảm giá nhẹ so với trước (từ 1,029 đến 1,235 tỷ đồng). Tính năng an toàn cũng được chú trọng hơn, khi xe được trang bị thêm nhiều công nghệ hiện đại hơn so với trước.
Mazda 6 đang bị Toyota bỏ lại về doanh số.
Với Mazda6, mẫu xe này từng thu hút sự chú ý nhờ thiết kế ngoại thất bắt mắt,nội thất hiện đại hơn Camry, nhưng với sự cải tiến của Toyota Camry thế hệ mới, đây đã không còn là một lợi thế cạnh tranh quá lớn của Mazda6.Ngoài ra, thay vì nhập khẩu như đối thủ đến từ Toyota, tất cả các phiên bản Mazda6 đều được lắp ráp tại Việt Nam, với mức giá rẻ hơn, ở mức từ 889 triệu đến 1,049 tỷ đồng.
Đối với các phiên bản mới nhất, Toyota Camry và Mazda6 gần như đã san bằng cách biệt với nhau về các thông số kỹ thuật. Kích thước dài, rộng, cao và trục cơ sở của cả hai mẫu xe này đều tương đương, thậm chí cả động cơ cũng không có nhiều khác biệt và thay đổi so với trước.
Về hệ thống treo, Toyota Camry được nhiều người đánh giá cao hơn khi trục sau sử dụng dạng tay đòn kép, giúp xe ổn định và chắc chắn hơn kiểu liên kết đa điểm trên Mazda6.
Tuy nhiên về hệ thống an toàn, Mazda6 dường như có lợi thế hơn dù cả hai mẫu xe này đều sở hữu các tính năng khá giống nhau. Điều này do Mazda6 sở hữu gói trang bị an toàn i-Activsense, giúp khách hàng hoàn toàn có thể bổ sung thêm các hệ thống khác vào hai phiên bản cao cấp.
So sánh các trang bị nổi bật trên hai phiên bản cao cấp nhất của Toyota Camry và Mazda 6.
Cuối cùng, khách hàng mua các dòng sedan phân khúc D thường là những người có hầu bao rủng rỉnh, do đó họ sẽ không quá quan tâm đến giá xe nếu chỉ chênh nhau chút ít. Trong khi Toyota Camry đã có những thay đổi lớn ở thế hệ mới ra mắt năm 2019 thì Mazda6 2020 chỉ là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời, chưa có quá nhiều cải tiến mạnh mẽ. Do đó, đối thủ đến từ Mazda cần phải chờ các nâng cấp lớn hơn để có thể cạnh tranh lại được với Toyota Camry trong thời gian tới.