Hiện nay, xe là loại tài sản phải đăng ký sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, để có thể thực hiện các giao dịch mua bán xe hợp pháp, chủ xe bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực và thực hiện thủ tục sang tên xe. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp người mua xe không thực hiện theo đúng quy định này, chủ yếu mua bán bằng giấy tờ viết tay. Pháp luật hiện hành đã đưa ra quy định cụ thể về điều kiện cũng như trình tự thủ tục thực hiện sang tên xe qua nhiều đời chủ để hạn chế vấn đề trên.
1. Hồ sơ thực hiện thủ tục sang tên xe
Dựa trên quy định tại Điều 19 Thông tư 58/2020/TT-BCA, đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người thì khi thực hiện thủ tục sang tên xe, chủ sở hữu xe phải chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe
– Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có)
– Tài liệu về quá trình mua bán, giao nhận xe hợp pháp
– Cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe
– Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01);
– Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định;
– Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (đối với trường hợp khác tỉnh và mô tô khác điểm đăng ký xe).
Đồng thời, người sử dụng xe còn phải xuất trình các giấy tờ được quy định tại Điều 9 Thông tư 58/2020/TT-BCA như sau:
Trường hợp 1: Chủ xe là người Việt Nam
– Xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Sổ hộ khẩu. Đối với lực lượng vũ trang: Xuất trình Chứng minh Công an nhân dân hoặc Chứng minh Quân đội nhân dân hoặc giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác từ cấp trung đoàn, Phòng, Công an cấp huyện hoặc tương đương trở lên (trường hợp không có giấy chứng minh của lực lượng vũ trang).
Trường hợp 2: Chủ xe là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về sinh sống, làm việc tại Việt Nam
Xuất trình Sổ tạm trú hoặc Sổ hộ khẩu hoặc Hộ chiếu (còn giá trị sử dụng) hoặc giấy tờ khác có giá trị thay Hộ chiếu.
Trường hợp 3: Chủ xe là người nước ngoài:
– Người nước ngoài làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế: Giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ và xuất trình Chứng minh thư ngoại giao hoặc Chứng minh thư công vụ (còn giá trị sử dụng);
– Người nước ngoài làm việc, học tập ở Việt Nam: Xuất trình thị thực (visa) thời hạn từ một năm trở lên hoặc giấy tờ khác có giá trị thay visa.
Trường hợp 4: Chủ xe là cơ quan, tổ chức:
– Chủ xe là cơ quan, tổ chức Việt Nam: Xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến đăng ký xe. Xe doanh nghiệp quân đội phải có Giấy giới thiệu do Thủ trưởng Cục Xe – Máy, Bộ Quốc phòng ký đóng dấu;
– Chủ xe là cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ và xuất trình Chứng minh thư ngoại giao hoặc Chứng minh thư công vụ (còn giá trị sử dụng) của người đến đăng ký xe;
– Chủ xe là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện, doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ: Xuất trình căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với người nước ngoài) của người đến đăng ký xe.
Lưu ý:
Người được ủy quyền đến giải quyết các thủ tục đăng ký xe, ngoài giấy tờ của chủ xe theo quy định còn phải xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Chứng minh ngoại giao, Chứng minh thư công vụ (còn giá trị sử dụng).
2. Trình tự, thủ tục thực hiện sang tên xe
Điều 19 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định về thủ tục sang tên xe đối với xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người như sau:
Bước 1: Liên hệ nộp hồ sơ sang tên xe theo quy định
Người đang sử dụng xe liên hệ với cơ quan đăng ký xe nơi cư trú và nộp hồ sơ theo quy định
Bước 2: Cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ và thực hiện thủ tục
– Trường hợp người đang sử dụng xe có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng: Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý hồ sơ xe giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú;
– Trường hợp người đang sử dụng xe không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe: Cơ quan quản lý hồ sơ xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày; gửi thông báo cho người đứng tên trong đăng ký xe, niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và tại trụ sở cơ quan; tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ sang tên. Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ xe phải giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.
Bước 3: Trả kết quả
Lưu ý:
Người sử dụng xe có trách nhiệm sau:
– Trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên;
– Kê khai cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của xe, quá trình mua bán, giao nhận xe;
– Khai và nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của các đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu xe mất cắp, xe vật chứng: Ngay sau khi tiếp nhận văn bản của cơ quan đăng ký xe đề nghị xác minh, đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu xe mất cắp, xe vật chứng trả lời bằng văn bản cho cơ quan đăng ký xe