Trong số ôtô các loại nhập khẩu về Việt Nam 2020, xe con là sản phẩm có lượng sụt giảm nhiều nhất. Theo Tổng cục Hải Quan, Việt Nam nhập tổng 105.201 ôtô nguyên chiếc các loại, trong đó ôtô con là 75.576 xe, giảm 26,2% so với cùng kỳ 2019. Ôtô tải đạt 42.420 xe, giảm 24,1%.
Sau 3 năm tăng liên tục kể từ 2017, lượng ôtô con nhập về Việt Nam sụt giảm. Dịch Covid-19 và nhiều hãng đưa xe bán chạy về lắp ráp là hai nguyên nhân chính lý giải cho lần hạ nhiệt này của ôtô nhập khẩu từ nước ngoài.
Tính chung các loại ôtô, Thái Lan và Indonesia là những thị trường xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam, chiếm đến 83% tổng thị phần xe nhập. Những mẫu xe bán chạy hàng đầu thị trường như Honda CR-V, Mitsubishi Xpander, Ford Ranger đều nhập từ hai nước này. Tuy nhiên, từ nửa cuối 2020, Xpander bắt đầu lắp ráp bản AT số tự động, bản số sàn MT vẫn nhập. Honda sau đó cũng đưa CR-V về lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc.
Từ nửa cuối 2021, Ford sẽ đưa sản phẩm chủ lực chiếm hơn 50% doanh số của hãng, Ranger về lắp ráp trong nước. Các sản phẩm của thương hiệu mới MG (Morris Garages) hiện nhập khẩu Thái Lan nhưng sang nửa cuối 2021 sẽ bắt đầu được lắp ráp tại nhà máy của Tanchong ở Đà Nẵng, nơi từng lắp xe Nissan.
Các chuyên gia cho rằng, việc nhiều hãng chuyển dần ưu tiên sang định hướng lắp ráp, bằng chứng là những sản phẩm doanh số lớn (Xpander, CR-V, Ranger đều trên 10.000 xe/năm) duy trì một phần hoặc không còn nhập khẩu, khiến lượng xe nhập về Việt Nam khó tăng mạnh trong một, hai năm tới. Xe nhập vẫn sẽ về nước và có lớp khách hàng riêng nhưng chủ yếu là xe sang hoặc xe phổ thông với doanh số không lớn. Nhiệm vụ chiếm lĩnh thị phần gần như sẽ là cuộc đua của xe lắp ráp.
Ở mảng linh kiện, phụ tùng ôtô, các doanh nghiệp Việt Nam trong 2020 chi hơn 4 tỷ USD để nhập khẩu, giảm nhẹ 3,8% so với 2019. Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc là những quốc gia đứng đầu về trị giá xuất khẩu mặt hàng này.
Ngành công nghiệp phụ trợ vừa thiếu, vừa yếu của Việt Nam khiến các doanh nghiệp trong nước gần như chủ yếu nhập linh, phụ tùng về sản xuất. Bên cạnh đó, gọi sản xuất xe nhưng thực tế là lắp ráp bởi mức nội địa hóa linh kiện còn thấp. 4 tỷ USD tương đương khoảng hơn 92.000 tỷ VNĐ, con số cho thấy tiềm năng của ngành phụ trợ trong nước còn lớn nhưng chưa được khai phá.
Thành Nhạn