Tony Chen, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Oppo, được cho là người đứng đầu án. Chen cùng đội của mình dành hàng tuần để điều tra các nguồn lực, thuê nhân lực. Một nguồn tin thân cận cho biết, Oppo đã có các cuộc điều tra cũng như thảo luận về việc sản xuất ôtô, nhưng dự án chưa thực sự thành hình.
Oppo không xác nhận thông tin trên, nhưng Chen nói rằng: “Kể cả trong việc sản xuất xe hơi, chúng tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực mà Oppo có thể làm tốt nhất. Nếu các hãng ôtô không thể làm ra những chiếc xe tốt và Oppo có đủ lực, chúng tôi sẽ thử sức trong tương lai”. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy Oppo vẫn lưỡng lự giữa quyết định “tự làm một chiếc xe” giống Xiaomi hay “xây dựng phần mềm và hỗ trợ sản xuất ôtô” như Huawei.
Oppo – thương hiệu điện thoại Trung Quốc – có thể tham gia lĩnh vực sản xuất ôtô. Ảnh: VCG |
Các báo cáo cũng cho thấy Chen đã gặp nhà cung ứng và sản xuất pin của Tesla là CATL cách đây hai tuần. Andy Wu, Phó chủ tịch công nghệ phần mềm tại Oppo, có thể chịu trách nhiệm việc phỏng vấn cho các vị trí về lái tự động. Eric Guo, giám đốc khoa học, người gia nhập Oppo năm ngoái, đã tham gia việc thành lập đội công nghệ lái tự động. Cùng lúc, các vị trí liên quan tới việc phát triển khoang lái cũng được để ngỏ.
Oppo từng được mời tới dự cuộc họp nhà phát triển SAIC tổ chức ở Thượng Hải năm nay. Oppo và những nhân vật có tầm ảnh hưởng từ các ngành công nghiệp khác nhau đã thảo luận về việc xây dựng dịch vụ phần mềm của xe điện thông minh cũng như phát triển tương lai của chính mình.
Oppo từng đăng tải nhiều bằng sáng chế liên quan tới công nghệ tự động và công nghệ lái không cần tài xế, gồm các thiết bị đo khoảng cách, các camera, và các thiết bị điện tử để định vị xe.
Theo Autohome, Oppo đã quyết định đặt trụ sở chi nhánh ôtô ở Thành Đô.
Oppo là hãng điện thoại lớn thứ hai Trung Quốc, bán 112 triệu điện thoại thông minh trên toàn cầu trong năm 2020, tức chiếm 8% thị phần. Oppo còn là thương hiệu con của hãng điện tử BBK – hãng mẹ của những OnePlus, Vivo và Realme.