Sáng 15/1, tập đoàn Trung Nguyên Legend trưng bày dàn xe thể thao 13 chiếc tại bảo tàng Thế giới Cà phê (Buôn Ma Thuột). Tất cả dàn xe đều sở hữu tông màu ưa thích của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, gồm trắng, xám, đen và xanh lá nhám quân đội.
Dàn xe thể thao có giá trị ước tính lên tới hơn 100 tỷ đồng, được trưng bày đến hết ngày 17/1 nhằm quảng bá cho sự kiện mở bán dự án Thành phố Cà phê. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên Legend là người ưa thích dùng siêu xe, xe thể thao, xe siêu sang để quảng bá cho các hoạt động của tập đoàn tại Việt Nam.
Vị doanh nhân này từng sở hữu nhiều mẫu xe đình đám, có thể kể đến Bugatti Veyron, Lamborghini Aventador DMC, Ferrari 458 Speciale, Lamborghini Murcielago SV hay Ferrari 458 Spider. Nhưng thời gian gần đây, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã bán đi nhiều mẫu siêu xe đắt tiền trong bộ sưu tập cho một đại lý tư nhân ở TP.HCM. Dàn xe trưng bày lần này vẫn đủ sức thu hút sự chú ý, nhưng không có sự góp mặt của siêu xe và xe siêu sang.
Đáng chú ý nhất là sự hiện diện của 4 chiếc Porsche 911 Carrera, trong đó bao gồm 1 chiếc phiên bản GT2 RS và 3 chiếc phiên bản Turbo S. Porsche 911 GT2 RS đắt đỏ nhất khi có giá bán chính hãng vào khoảng 22 tỷ đồng. Giá xe Porsche có thể khác nhau do phụ thuộc vào trang bị, tính năng mà khách hàng đặt thêm.
Việt Nam hiện có 3 chiếc Porsche 911 Turbo S thuộc đời 991 Series và đều thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Nguyên Legend. Mỗi chiếc có giá chính hãng trên 14,5 tỷ đồng. Trong bộ sưu tập của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ còn có 1 chiếc Porsche 911 Turbo S Cabriolet.
Một cái tên nổi bật khác có thể kể đến Morgan Plus 4 đến từ Anh Quốc. Xe về Việt Nam năm 2018 qua một đại lý nhập khẩu tư nhân ở TP.HCM, giá bán tại “quê nhà” là 42.000 USD. Để “lăn bánh” Morgan Plus 4, đại lý và chủ xe phải đóng rất nhiều loại thuế phí khác nhau khiến giá xe đội lên vài tỷ đồng. Morgan Plus 4 có thiết kế cổ điển, không có phanh ABS và túi khí. Động cơ 2.0L.
Hiện tại, có 4 chiếc SLS AMG tại Việt Nam nhưng đây là chiếc duy nhất thuộc phiên bản giới hạn Final Edition. Như vậy là cả 4 chiếc SLS AMG đều đã về chung một nhà, đó chính là bộ sưu tập khét tiếng của ông trùm cà phê Trung Nguyên.
Mercedes-Benz SLS AMG GT Final Edition vẫn sở hữu kiểu dáng tương tự bản tiêu chuẩn. Trên phiên bản Final Edition là hàng loạt các chi tiết ốp sợi carbon như nắp ca-pô được thiết kế mới với, cánh gió cỡ lớn phía sau cốp xe, líp cản trước, cặp gương của chiếc xe cũng được chế tạo bằng sợi carbon.
Được dựa trên phiên bản tiêu chuẩn, động cơ trên AMG GT Final Edition không có nhiều nâng cấp khi vẫn là loại V8 của AMG, dung tích 6,3 lít, sản sinh ra công suất 583 mã lực, mô-men xoắn cực đại 650Nm. Hộp số ly hợp kép 7 cấp giúp xe tăng tốc từ từ vị trí đứng yên lên 100 km/h trong vòng 3,6 giây, trước khi đạt vận tốc tối đa 317 km/h.
Theo giới kinh doanh xe, siêu xe này có giá khoảng 14 tỷ, đắt hơn 2 tỷ so với bản tiêu chuẩn. Mặc dù bây giờ đã đi vào dĩ vãng nhưng hình ảnh về kiểu cửa cánh chim huyền thoại trên những mẫu xe của Mercedes sẽ luôn nằm mãi trong tâm trí của những người yêu sự hiện đại của SLS AMG và gợi nhớ về nét hoài cổ của Mercedes-Benz 300SL vang bóng một thời.
Theo Pháp luật và bạn đọc
Minh Long