Mơ Top 3 ASEAN
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 23/3/2018 của Bộ Chính trị nêu định hướng: Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm 3 khu vực ASEAN.
Để đạt được mục tiêu này, theo Nghị quyết, là phải ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế,… Hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng trong các ngành công nghiệp ưu tiên, coi đây là cốt lõi của chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Như vậy, công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, sẽ được ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến 2030, để góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Công nghiệp hỗ trợ ô tô hiện vừa ít về lực lượng, lại vừa yếu về năng lực cạnh tranh.
Hiện ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển rất hạn chế, quy mô nhỏ bé. Theo số liệu của Bộ Công Thương, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước năm 2019 đạt 281.606 xe trên tổng công suất 800.000 xe các loại. Con số này quá thấp so với Thái Lan đạt 2 triệu xe/năm và Indonesia 1,2 triệu xe/năm.
Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng tương tự với 276 nhà sản xuất linh kiện, cung cấp cho 40 doanh nghiệp lắp ráp xe. So với Thái Lan có trên 2.000 doanh nghiệp và Indonesia 800 doanh nghiệp cũng rất khiêm tốn.
Muốn ngành công nghiệp ô tô phát triển thì công nghiệp hỗ trợ phải phát triển. Nhưng công nghiệp hỗ trợ ô tô đến nay vừa ít về lực lượng, lại vừa yếu về năng lực cạnh tranh.
Phát biểu tại buổi tọa đàm về “Chính sách thuế và vai trò của Hải quan thúc đẩy Công nghiệp ô tô Việt Nam” diễn ra ngày 3/11 tại Hà Nội, đại diện Toyota cho biết, với linh kiện đơn giản là nắp bình xăng, họ đặt mua tại Thái Lan giá 1,5 USD/chiếc, trong khi tìm mua trong nước có giá tới 3,8 USD/chiếc. Sau khi giúp nhà cung cấp cắt giảm mọi chi phí không cần thiết và cử kỹ thuật viên đến tận nơi hỗ trợ sản xuất thì chi phí giảm còn 2,5 USD nhưng vẫn cao hơn so với Thái Lan tới 1 USD/chiếc. Vì vậy, nhập khẩu có lợi thế hơn.
Cũng nói về chiếc nắp bình xăng, ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Eco Việt Nam, chia sẻ, với sản lượng nhỏ thì nhập nguyên vật liệu ít nên giá cao. Tính ra chi phí vật liệu chiếm khoảng 60-70% giá thành. Chi phí logistic tại Việt Nam cũng cao, chiếm từ 8-10%, ngoài ra là lãi suất ngân hàng và các chi phí khác chiếm từ 5-7% nữa. Tính ra, rất khó cạnh tranh với linh kiện nhập khẩu từ Thái Lan hưởng thuế 0% hiện nay.
Đại diện Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội cũng có ý kiến tương tự, cho rằng, sản xuất linh kiện cung cấp cho ngành ô tô có lợi nhuận không cao. Muốn có nhiều lợi nhuận thì chỉ còn cách sản xuất thật nhiều. Nhưng hiện tại sản lượng ô tô lắp ráp trong nước quá thấp nên sản xuất không hiệu quả và không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Chính sách mâu thuẫn
Ý kiến giới chuyên môn cho rằng, muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển thì ngành ô tô phải đạt sản lượng lớn. Muốn có sản lượng lớn, trong khi thu nhập của người dân còn thấp thì phải giảm các loại thuế phí, giúp giảm giá xe.
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho biết, chính sách thuế là công cụ rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào ô tô cao, tức là không khuyến khích tiêu dùng. Trong khi ô tô là phương tiện đi lại.
“Tôi giật mình khi biết Viêng Chăn (Thủ đô Lào) hiện có tới 500.000 ô tô các loại, trong khi đó Hà Nội đến nay cũng chỉ có khoảng 600.000 xe. Rõ ràng so với Hà Nội, dân số và thu nhập bình quân đầu người của Viêng Chăn thấp hơn. Vậy chính sách phải như thế nào thì tiêu thụ ô tô mới như vậy. Hiện nay Chính phủ và các cơ quan chức năng vẫn lúng túng và chính sách còn nhiều mẫu thuẫn. Trong khi ưu tiên phát triển thì lại đánh thuế hạn chế tiêu dùng”, ông nói.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, sau khi thực hiện chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô 0% (theo Nghị định 125/2017 NĐ-CP), từ cuối năm 2017 đến nay đã có 13 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện và đã được hoàn số thuế khoảng 9.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp tuy được hoàn thuế nhưng lại có đóng góp tăng cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể năm 2018, chỉ 4 doanh nghiệp gồm: Toyota Việt Nam, TC Motor, Trường Hải và Ford Việt Nam đã nộp ngân sách tăng khoảng 7.300 tỷ đồng so với 2017 và năm 2019 nộp tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với 2018.
Theo các doanh nghiệp, việc ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% giúp cho việc mua linh kiện từ khu vực ngoài ASEAN giảm chi phí và giá thành một sô mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước giảm được từ 3-5%, qua đó giúp giảm giá bán. Nếu tiếp tục giảm thuế, phí sẽ giúp tăng sản lượng ô tô, như vậy ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển, đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng.
Đại diện Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thu Trang, Phó trưởng phòng Chính sách thuế xuất nhập khẩu, cho hay Bộ này đang triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm ô tô.
Nếu áp dụng chính sách này, ô tô trong nước sẽ được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện mua trong nước, giúp giá xe giảm, tăng sản lượng, đưa ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Theo Trần Thủy (Báo điện tử VietnamNet)