Những ngày này, băng giá và tuyết mỏng đã bắt đầu xuất hiện ở các vùng núi Tây Bắc Việt Nam như Sapa, đèo Ô Quý Hồ… Sáng ngày 11/1, đường ở khu vực này đóng băng mỏng khiến CSGT phải tạm ngăn đường do một số xe bị trượt, mất lái sa xuống rãnh.
Xe sa xuống rãnh thoát nước vì đường trơn ở đèo Ô Quý Hồ. Ảnh: Tavan Dragon House
Theo chuyên gia đào tạo lái xe Nguyễn Hồng Vinh, đa số ô tô ở Việt Nam sẽ gặp khó khi di chuyển ở những nơi mặt đường bị đóng băng. “Câu chuyện không nằm ở loại xe một cầu hay hai cầu, dẫn động bốn bánh mà ở vấn đề lốp. Đa số chủ xe ở Việt Nam dùng loại lốp thông thường, thích hợp khí hậu nhiệt đới và tiết kiệm. Gặp đường trơn mất tiếp xúc cả bốn bánh thì không nên đi tiếp, rất nguy hiểm”, chuyên gia Vinh nói.
Vì vậy, để đi được đường trơn, đóng băng cần thay loại lốp phù hợp. Chuyên gia Vinh cho biết loại lốp phù hợp là lốp gai AT (All Terrain) có nhiều gai, ít rãnh dọc nên có khả năng bám đường tốt hơn. Một số loại lốp dùng 4 mùa cao cấp nhưng giá thường đắt gấp 4 hoặc 5 lần so với lốp thông thường
Lốp AT với ta-lông kiểu hoa khối với sự hiện diện của các khối hình độc lập trên bề mặt lốp giúp tăng độ bám đường, trong khi loại lốp chạy đường nhựa thường có các gân dọc giúp đi êm, ít ồn, tiết kiệm nhiên liệu nhưng sức kéo và chống trượt không thể bằng AT.
Một bộ “áo xích” cho lốp xe là giải pháp tốt nhất cho mặt đường đóng băng, nhưng với điều kiện thời tiết có nền nhiệt cao như Việt Nam lại không phù hợp về hiệu quả kinh tế.
Tuyết rơi dày đặc, phủ trắng cây cối, nhà cửa ở xã Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) sáng 11/1. Ảnh: Tuấn Ngọc
Bên cạnh đó, chuyên gia Vinh cho rằng công nghệ cũng góp phần giúp tài xế đi đường trơn trượt, đóng băng tốt hơn. “Các xe có sẵn các trang bị như cân bằng điện tử, hỗ trợ phanh, dẫn động 4 bánh, tính năng lái xe đường trơn tuyết sẽ giúp ích rất nhiều cho tài xế. Tuy nhiên, dù có sẵn công nghệ hỗ trợ, tài xế không nên chạy nhanh”, ông Vinh nói thêm. Một mẹo nhỏ khác dàng cho tài xế dùng lốp thường bị trơn trượt có thể vận dụng là xì bớt hơi bánh xe để tăng độ tiếp xúc mặt đường. Cách này áp dụng cho cả đường cát, sỏi.
Khác với các quốc gia thường xuyên có tuyết rơi, hầu hết tài xế Việt vẫn chưa được trang bị kỹ năng để lái xe dưới điều kiện mặt đường có băng, tuyết. Vì vậy, người lái cần có những chuẩn bị kỹ càng cũng như đánh giá tình hình giao thông chính xác trước khi quyết định di chuyển trên cung đường đèo dốc, trơn trượt.
Dưới đây là những lưu ý khi điều khiển xe trên mặt đường trơn trượt hay đóng băng.
1. Lái xe chậm và giữ khoảng cách với phương tiện phía trước: Di chuyển tốc độ cao trên mặt đường trơn trượt, đóng băng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn do người lái không kịp xử lý khi gặp chướng ngại vật, hay xe bị mất kiểm soát. Di chuyển xe với tốc độ chậm và giữ khoảng cách an toàn với xe trước giúp người lái có thời gian để xử lý khi gặp tình huống bất ngờ.
Mặt đường trơn trượt khiến cho khoảng cách phanh dài hơn thông thường. Ảnh: CARFAX Canada.
Mặt đường trơn trượt sẽ khiến cho quãng đường phanh tăng lên đáng kể do độ bám giữa lốp và mặt đường bị giảm đi khá nhiều. Việc tăng khoảng cách với phương tiện phía trước sẽ giúp cho người lái có nhiều thời gian hơn để xử lý tình huống, đồng thời hạn chế được tình trạng đâm vào đuôi xe trước do quãng đường phanh bị tăng lên.
2. Bình tĩnh xử lý khi xe bị trượt: Lái xe trên đường trơn trượt chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng bánh xe bị trượt do mất ma sát với mặt đường khi chuyển hướng. Xe bị trượt có 2 dạng là thiếu lái (understeer) hoặc dư lái (oversteer), tình trạng thiếu lái thường gặp đối với xe cầu trước và dư lái thường xảy ra ở xe cầu sau.
Dư lái hoặc thiếu lái là những tình huống dễ gặp phải khi bánh xe bị mất độ bám với mặt đường. Ảnh: Groben’s Auto Body.
Đối với tình trạng thiếu lái, người điều khiển xe cần giảm tốc để nhanh chóng khắc phục vấn đề. Trong khi đó, xử lý hiện tượng dư lái yêu cầu người điều khiển phải thực hiện động tác xoay vô lăng ngược với hướng đầu xe để lấy lại kiểm soát.
3. Tăng tốc, phanh và bẻ lái một cách từ tốn: Mặt đường trơn trượt khiến cho lực ma sát với lốp xe bị giảm đi đáng kể. Nếu người lái tăng tốc đột ngột, lốp xe sẽ bị mất độ bám và chỉ xoay tại chỗ. Khác với lái xe trên bề mặt khô ráo, việc phanh gấp trên mặt đường trơn trượt sẽ làm tăng quãng đường phanh, thậm chí là khiến xe bị xoay ngang.
Duy trì độ bám đường là yếu tố tiên quyết khi điều khiển xe trên địa hình trơn trượt. Ảnh: Met Office.
Tóm lại, người lái khi thực hiện các động tác như nhấn ga, đạp phanh hay chuyển hướng trên mặt đường trơn trượt cần phải làm một cách chậm rãi, từ tốn. Điều này sẽ giúp cho lực ma sát giữa lốp và mặt đường được duy trí ở mức cao nhất có thể.
4. Tìm hiểu kỹ đoạn đường di chuyển: Hầu hết khu vực có tuyết rơi tại Việt Nam thường nằm trên cao, nếu muốn tham quan phải di chuyển qua các đoạn đường đèo dốc quanh co, khúc khuỷu. Việc tìm hiểu trước cung đường sẽ giúp người lái chủ động hơn và không bị bất ngờ khi gặp phải những đoạn đường khó khăn.
Nên chạy chậm và quan sát thật kỹ khi điều khiển xe ở những đoạn đường lạ. Ảnh: Horizon.
Trong suốt quá trình di chuyển ở đoạn đường lạ, người lái nên điều khiển xe chậm rãi để quan sát và kịp thời xử lý khi gặp tình huống xấu. Cố gắng lái xe theo vệt bánh xe đi trước để tăng thêm khả năng bám đường, tuy nhiên không nên chạy quá sát xe phía trước.
Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển ở đoạn đường đèo dốc bị đóng băng, người lái cần có những chuẩn bị tốt về lốp xe, phanh và hệ thống chiếu sáng.
Nếu chưa có quá nhiều kinh nghiệm di chuyển trên mặt đường trơn trượt, đóng băng hay chưa có nhiều thông tin về cung đường chuẩn bị di chuyển ở đồi núi có độ dốc lớn, người lái không nên quá mạo hiểm. Nếu có thể, người lái nên tìm cho mình một chỗ đỗ xe an toàn, không tiếp tục di chuyển cho đến khi mặt đường đã trở nên an toàn hơn.
Nguồn : vietnamnet.vn
Hoang Long