Bức tranh tổng thể của thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2020 không có nhiều điểm sáng, các điểm nhấn quan trọng ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Trải qua gần 12 tháng, thị trường ôtô Việt Nam năm 2020 đã định hình được cục diện với nhiều sự kiện, diễn biến đáng chú ý. Hầu hết điểm nhấn nổi bật không nằm trong dự đoán từ trước khi nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp ôtô nói riêng chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19.
Chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ
Trong giai đoạn 2 quý đầu năm, thị trường ôtô Việt Nam ghi nhận doanh số thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ. Dịch bệnh diễn biến phức tạp không chỉ làm nhu cầu mua xe suy giảm mà còn khiến nguồn cung bị ảnh hưởng khi các nhà máy ôtô trong và ngoài nước phải cắt giảm sản lượng hay thậm chí là ngừng hoạt động.Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 6, doanh số xe du lịch đạt gần 75.000 chiếc, giảm đến 32% so với cùng kỳ năm 2019. Để kích cầu cho nền kinh tế cũng như hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước (CKD), áp dụng từ ngày 28/6 đến hết năm 2020.
Trải qua 5 tháng áp dụng, Nghị định 70/2020 cùng mức hỗ trợ lệ phí tương đương 5-6% giá bán của xe CKD đã phát huy tác dụng rõ rệt khi doanh số bán hàng đều đặn tăng trưởng và đạt đỉnh trong tháng 11 vừa qua theo ghi nhận từ VAMA (28.755 chiếc), TC Motor (9.995 chiếc) và VinFast (4.040 chiếc).
Hủy bỏ Triển lãm Ôtô Việt Nam lần thứ 16
Vào đầu tháng 8, Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam và Hiệp hội các Nhà nhập khẩu Ôtô chính hãng Việt Nam thông báo Triển lãm Ôtô Việt Nam 2020 (VMS 2020) bị hủy bỏ. Lý do được 2 hiệp hội ôtô đưa ra là đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp.Sự kiện lớn nhất của thị trường ôtô Việt Nam ban đầu dự định có sự tham dự của 15 thương hiệu gồm Audi, Ford, Jaguar, Honda, Land Rover, Lexus, Mercedes-Benz, Mitsubishi, Nissan, Subaru, Suzuki, Toyota, VinFast, Volkswagen và Volvo. Với việc VMS 2020 không diễn ra, nhiều mẫu xe mới đã được giới thiệu trực tuyến hoặc tổ chức sự kiện ra mắt với quy định hạn chế khách mời.
Thực tế, những kỳ Vietnam Motor Show diễn ra gần đây không được đánh giá cao và ngày càng kém hấp dẫn khi các hãng xe ngày càng coi trọng việc bán hàng, chạy doanh số trong dịp triển lãm. Việc giới thiệu công nghệ mới, những mẫu xe tương lai hay xu hướng phát triển của ngành ôtô chỉ đóng vai trò thứ yếu.
Doanh số chung dự kiến sụt giảm
Sau năm 2018 và 2019 liên tục tăng trưởng, doanh số xe du lịch năm nay gần như chắc chắn sẽ ghi nhận tăng trưởng âm sau 12 tháng. Theo số liệu bán hàng từ VAMA, tổng lượng xe du lịch tiêu thụ sau 11 tháng đã qua giảm 12,47% so với cùng kỳ năm 2019, từ hơn 205.000 chiếc còn gần 180.000 xe. Tổng doanh số xe du lịch năm 2019 của các nhà sản xuất thuộc VAMA là gần 230.000 chiếc.Dù khó tránh khỏi kết quả ảm đạm, thị trường ôtô Việt Nam ít nhiều vẫn ghi nhận một vài dấu hiệu khả quan trong năm 2020. Chẳng hạn như Hyundai và Kia có lượng xe bán ra ổn định, thậm chí là hứa hẹn tăng trưởng bất chấp khó khăn chung của thị trường. VinFast bắt đầu công bố số liệu bán hàng từ tháng 5 và ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Suzuki và Subaru có được sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng để phát triển, mở rộng thị phần.
Bên cạnh đó, cần nhắc đến việc số lượng ôtô mới được ra mắt tăng mạnh với các năm trước, gồm cả xe phổ thông, xe sang và siêu sang. Trong đó có nhiều dòng xe hoàn toàn mới và được người dùng đón nhận như Kia Seltos, Toyota Corolla Cross, Volvo S60, xe điện Porsche Taycan…
Triệu hồi và trục trặc kỹ thuật hàng loạt
Năm 2020 chứng kiến hàng loạt đợt triệu hồi lớn nhỏ với số lượng xe ảnh hưởng lên đến hàng chục nghìn chiếc tại Việt Nam. Những đợt triệu hồi đáng kể nhất thuộc về các thương hiệu có lượng xe lưu hành lớn, chẳng hạn như 32.000 ôtô Toyota và gần 20.000 xe Honda lỗi bơm nhiên liệu, 11.800 xe Ford lỗi bánh răng bơm dầu hộp số, gần 12.500 xe Chevrolet cùng 3.200 xe Mercedes-Benz lỗi túi khí…Nhiều vấn đề khác cũng khiến các hãng xe từ phổ thông đến cao cấp phát thông báo triệu hồi để xử lý. Danh sách có Mazda3 và loạt xe Volvo vướng lỗi phanh tự động, Ford Explorer lỗi chân ghế chỉnh điện, Lexus RX lỗi hộp số, Audi Q5 lỗi chắn bùn, Audi A8L lỗi gioăng cao su khoang máy…
Bên cạnh các thông báo triệu hồi chính thức từ Cục đăng kiểm Việt Nam, có những vấn đề kỹ thuật chỉ được nhà sản xuất tiếp nhận khi người dùng phản ánh và khiếu nại hàng loạt. Tiêu biểu có hiện tượng phát ra tiếng kêu lạ từ hệ thống lái của Hyundai Accent, động cơ của Suzuki XL7 có hiện tượng thấm dầu, nội thất Kia Seltos bị rò rỉ nước khi đi mưa hay chảy dầu thụt ở Mazda CX-5 mới…
Loạt thương hiệu quay trở lại
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, thị trường ôtô trong nước năm qua vẫn đón nhận sự quay trở lại của nhiều thương hiệu quen mặt.Đi đầu trong làn sóng này là MG (Morris Garages). Thương hiệu xe Anh quốc thuộc tập đoàn ôtô Trung Quốc có nhà phân phối mới tại Việt Nam từ tháng 5. Đánh dấu sự trở lại của MG sau 8 năm vắng bóng là 2 mẫu xe gầm cao ZS và HS được ra mắt hồi tháng 7. Sau khoảng nửa năm, MG Việt Nam đang trong giai đoạn mở rộng hệ thống phân phối cũng như tăng độ phổ biến cho thương hiệu với khách hàng trong nước.Đến tháng 9, Renault tái xuất sau 3 năm tạm rút lui thông qua đơn vị phân phối mới có nhiều tiềm lực là CT-Wearnes Việt Nam. Ngoài hãng xe Pháp, CT-Wearnes hiện giữ vai trò phân phối các thương hiệu ôtô đình đám như Aston Martin, Lamborghini và Bentley. Hiện tại, hoạt động kinh doanh của Renault Việt Nam chưa có nhiều tiến triển khi chỉ có một phòng trưng bày trên cả nước. Ngoài ra, các dòng xe mới của Renault gần như mất hút trên thị trường dù đã có mặt ở Việt Nam được một thời gian.Bắt đầu từ tháng 10, Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Ôtô Việt Nam (VAD) chính thức tiếp quản việc phân phối xe Nissan từ đơn vị cũ là TCIE Việt Nam. VAD được thành lập vào cuối tháng 8 và có địa chỉ tọa lạc tại khu công nghiệp Việt Hưng, TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Các thông tin về kế hoạch phát triển khâu sản xuất, kinh doanh của Nissan Việt Nam hiện chưa được công bố. Hãng xe Nhật Bản được kỳ vọng sẽ sớm giới thiệu các sản phẩm mới hấp dẫn hơn, thay thế cho những model đã lỗi mốt như Sunny, X-Trail hay Navara.
Cái tên khép lại năm 2020 của thị trường ôtô Việt Nam là Rolls-Royce. Hãng xe siêu sang Anh quốc vừa công bố đơn vị phân phối mới vào trung tuần tháng 12, 2 tháng sau khi kết thúc hợp tác với Công ty cổ phần Ôtô Regal. Đại diện mới cho Rolls-Royce tại Việt Nam là S&S Automotive, công ty con thuộc S&S Group chuyên kinh doanh ngành hàng xa xỉ. Kế hoạch ban đầu của nhà phân phối mới là đưa showroom Rolls-Royce đầu tiên tại TP.HCM đi vào hoạt động trong quý II/2021. Bên cạnh đó, Cullinan và Ghost tiếp tục là 2 sản phẩm chiến lược của Rolls-Royce ở Việt Nam.
Nguồn: Zing.vn